Nhẹ nhàng xếp những quả na mới hái vào sọt, anh Hứa Văn Thịnh, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng cho biết, với hơn 500 gốc na, năm ngoái, gia đình thu được hơn ba tấn, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm nay, do thời tiết thuận lợi cùng với việc cắt tỉa, chăm sóc cây phù hợp nên sản lượng na của gia đình ước tăng gấp 1,3 lần so với năm ngoái, quả to đều, trung bình khoảng 3 quả một cân, thậm chí có loại 2 quả một cân.
Ông Lâm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết, toàn xã hiện có hơn 430 ha na với trên 1.000 hộ trồng. Năm nay, sản lượng na trên địa bàn ước đạt 4.600 tấn, tăng khoảng 100 tấn so với năm 2023. Giá na bán ổn định ở mức 30.000 đến 60.000 đồng một cân tùy loại.
Tương tự, tại xã Y Tịch, ông Mai Văn Thăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Y Tịch cho biết, toàn xã hiện có hơn 500 ha na với sản lượng ước đạt 5.200 tấn, tăng hơn 150 tấn so với năm ngoái. Đặc biệt, giá na vẫn ổn định, tương đương năm ngoái nên người dân yên tâm.
Theo thống kê của tỉnh, toàn huyện Chi Lăng hiện có trên 2.600 ha na và là địa bàn có diện tích na lớn nhất trên toàn tỉnh. Năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, người dân chủ động chăm sóc nên na được mùa. Cụ thể, vụ na năm nay, năng suất na ước đạt 10,6 tấn một ha, sản lượng ước đạt trên 24.000 tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 2023; giá bán dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng một cân, tương đương giá bán năm 2023.
Thời gian qua, để nâng cao năng suất, chất lượng na, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc na. Qua đó, nông dân đã áp dụng triệt để các biện pháp như: sử dụng túi nilon bọc quả chống sâu bệnh; treo chế phẩm sinh học để phòng, chống côn trùng, sâu bệnh hại cây trồng; áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho hoa...
Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức trên 100 lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả các loại (trong đó có cây na) cho khoảng 5.000 lượt người tham gia.
Cùng đó, xác định na là cây chủ lực của huyện nên những năm qua, các cấp Hội Nông dân phối hợp vận động bà con tăng quy mô diện tích na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP. Tính đến hết năm 2023, diện tích sản xuất na được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp tốt là 903,68 ha. Trong đó, diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 868,68 ha. Toàn huyện xây dựng được 12 mô hình vườn mẫu về sản xuất na VietGAP; xây dựng và cấp mã vùng sản xuất cho 40 ha na tại xã Y Tịch và thị trấn Đồng Mỏ. Hiện sản phẩm na Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Để mở rộng kênh tiêu thụ na, UBND huyện và các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã tăng cường quảng bá na qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok...
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết, nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ na, những năm qua, UBND huyện đã có nhiều hình thức quảng bá thương hiệu na đến đông đảo khách hàng trong cả nước như: tổ chức các hội chợ thương mại, giới thiệu nông đặc sản; tổ chức các hội thảo truyền thông về thương hiệu na Chi Lăng...
Năm nay, dự kiến trung tuần tháng 8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ phối hợp tổ chức phiên chợ nông sản giới thiệu na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hà Nội. Đây là các hoạt động nhằm quảng bá, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng phát triển bền vững.
Với những giải pháp thiết thực trên, hiện nay na không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn được nhiều khách hàng tại các tỉnh, thành ưa chuộng như: Hà Nội, Cao Bằng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... sản lượng na thu hái trong ngày đều được thương lái thu mua hết nên bà con yên tâm sản xuất.
Bà Lô Thùy Linh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng cho biết: "So với năm ngoái, vụ na năm nay cho sản lượng cao hơn và giá cả ổn định nên bà con đang rất phấn khởi". Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và phối hợp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm để tìm đầu ra ổn định cho quả na, giúp người dân yên tâm sản xuất.
(Nguồn: Tỉnh Lạng Sơn)