Thiếu hụt tiền mặt tại Myanmar đang tiếp tục diễn ra khi các ngân hàng tăng cường hạn chế rút tiền sau cuộc đảo chính hồi tháng 2. Theo Nikkei, tình hình khó được giải quyết sớm, vì ngân hàng trung ương nước này không muốn tăng cung tiền mặt, lo ngại đồng kyat mất giá và lạm phát.
Ngân hàng KBZ, ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Myanmar, cho phép chủ tài khoản rút tối đa 200.000 kyat tiền mặt từ ATM mỗi tuần. Nhưng do chỉ có thể rút tiền tại một số ATM nhất định nên ai có nhu cầu phải đến xếp hàng từ sáng sớm, có khi dài đến hơn 100 người.
Sự đình trệ của các dịch vụ ngân hàng do các nhân viên nhà băng tham gia vào phong trào phản đối cuộc đảo chính quân sự, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực. Tình hình có ít dấu hiệu cải thiện, mặc dù các nhân viên ngân hàng đã đi làm trở lại từ giữa tháng 4, khi quân đội mạnh tay trấn áp biểu tình hơn.
Trong khi đó, người tiêu dùng lo ngại tiền mặt một khi gửi vào ngân hàng thì không thể rút ra được, càng làm căng thẳng nguồn cung tiền mặt trong hệ thống tài chính.
Các công ty nước ngoài hoạt động tại Myanmar cũng cho biết không thể đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng tăng của nhân viên địa phương trong việc muốn trả lương bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản ngân hàng. Ngày càng nhiều nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh khác cũng yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt.
Makro Myanmar, một nhà bán buôn lớn đến từ Thái Lan, đã ngừng giao dịch bằng thẻ tín dụng trong tháng này và hiện chỉ chấp nhận tiền mặt. Một nam bán buôn gạo, 33 tuổi, cho biết từng thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp qua chuyển khoản. "Nhưng các công ty hiện từ chối bán trừ khi thanh toán tiền mặt", anh nói.
Về mặt lý thuyết, vấn đề có thể được giải quyết nếu ngân hàng trung ương in thêm tiền và cung cấp cho các ngân hàng. Nhưng các chuyên gia tài chính tin rằng giới chức từ chối làm như vậy vì lo ngại việc tăng lượng tiền mặt trong lưu thông sẽ làm giảm giá trị của đồng kyat và gây ra lạm phát. Chờ đợi nguồn cung từ dòng tiền gửi một chiều đã khiến các ngân hàng thương mại rơi vào thế bấp bênh.
"Càng cung cấp nhiều tiền mặt, càng có nhiều người rút tiền mặt và chuyển nó sang USD như một loại tiền tệ an toàn. Ngân hàng trung ương sợ điều kiện kinh doanh của các ngân hàng xấu đi và đồng kyat mất giá", một nhân viên ngân hàng nước ngoài cho biết.
Tính đến 18/6, 1.595-1.605 kyat đổi được một USD tại các ngân hàng thương mại, giảm 17% so với tỷ giá hối đoái trước cuộc đảo chính. Tỷ giá từng giảm xuống dưới 1.700 kyat vào tháng 5, khiến ngân hàng trung ương phải thực hiện các biện pháp can thiệp vào thị trường bán USD.
"Báo cáo Di động Cộng đồng Covid-19" của Google cho biết, mức độ ra ngoài nơi công cộng của người dân ở Myanmar đã trở lại gần với trước cuộc đảo chính. Tuy nhiên, tiêu dùng vẫn chậm chạp do thiếu tiền mặt và giá cả tăng cao, cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, do hoạt động của các công ty chậm lại.
"Họ hoàn toàn không mua rau bởi vì họ cắt giảm chi tiêu đến mức tối thiểu", một nam bán hàng nói. Giá lương thực đã tăng từ 10% đến 15% từ đầu tháng 5. Giá xăng nhập khẩu cao hơn đã làm tăng chi phí và do đó giá thịt gia cầm và thịt lợn cũng tăng theo.
Theo công ty nghiên cứu IHS Market, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đạt 39,7 vào tháng 5, tăng từ mức 33 điểm vào tháng 4. Nhưng chỉ số PMI vẫn thấp hơn nhiều so với mức 50, mức ghi nhận có sự cải thiện trong kinh doanh. Dòng vốn tắc nghẽn đã khiến cho việc thu mua nguyên liệu và các nhu yếu phẩm khác bị đình trệ.
Ngân hàng trung ương Myanmar đã nhấn mạnh sự an toàn của tiền gửi ngân hàng để khuyến khích người dân tiếp tục gửi tiền. Vào đầu tháng 5, họ cho phép mở "tài khoản đặc biệt" không giới hạn số lần rút tiền, với một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy còn khiến người dân hiểu rằng các ngân hàng thương mại vẫn đang vật lộn với việc thiếu tiền mặt, nên càng không muốn gửi tiền. Nikkei dự đoán, do lòng tin của người dân vào các ngân hàng, bị tổn hại bởi cuộc đảo chính, khó có thể sớm phục hồi, nên tình trạng hỗn loạn dự kiến sẽ tiếp tục trong một thời gian.
Phiên An (theo Nikkei)