![]() |
Những người ủng hộ Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ tham gia một cuộc vận động tranh cử tại Myanmar hôm 31/3. Ảnh: AP. |
Cuộc bầu cử hôm nay được tổ chức nhằm bổ sung nghị sĩ vào 45 ghế còn trống trong quốc hội gồm 664 thành viên của Myanmar. Nó diễn ra vài tháng sau khi chính phủ Myanmar bất ngờ thực hiện hàng loạt cải cách. Giới truyền thông và quan sát viên quốc tế được tiếp cận cuộc bầu cử ở mức độ cao nhất. Hơn 100 nhà báo nước ngoài được cho phép đưa tin về cuộc bầu cử.
Ivo Belet, một quan sát viên quốc tế châu Âu, nhận xét rằng cuộc bầu cử diễn ra trong bầu không khí hòa bình.
Dù đây chỉ là bầu cử bổ sng, nhưng nó thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi nhiều lý do. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Myanmar thay đổi bất ngờ và mạnh mẽ về chính trị xã hội. Cuối năm ngoái, lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, một ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm Myanmar, tiếp sau đó là đại diện ngoại giao của nhiều quốc gia phương Tây khác. Nhiều người hy vọng rằng tiến trình dân chủ và mở cửa của Myanmar sẽ được thực hiện nhanh chóng và chắc chắn.
Quá trình chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự của quân đội bắt đầu từ năm 2010. Từ đó tới nay chính phủ Myanmar đã thực hiện hàng loạt cải cách ấn tượng. Phần lớn tù nhân chính trị đã được trả tự do, những biện pháp kiểm soát ngôn luận được nới lỏng. Thậm chí giới lãnh đạo Myanmar còn thuyết phục Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động chính trị đối lập hàng đầu tại nước này, tham gia chính trường.
Bà Suu Kyi cùng đảng chính trị của bà, Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), muốn giành toàn bộ 45 ghế trống trong quốc hội. Giới quan sát nhận định rằng, với sự ủng hộ của hàng trăm nghìn cử tri, bà Suu Kyi sẽ giành được một ghế trong hạ viện.
Bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, từng lo ngại cuộc bầu cử phụ sẽ không diễn ra một cách công bằng, song tuyên bố đảng NLD tham gia cuộc bầu cử vì đó là nguyện vọng của người dân Myanmar.
NLD là một trong 17 đảng chính trị đối lập tham gia cuộc bầu cử hôm nay. Đảng này đã không tham gia vào tiến trình chính trị Myanmar từ năm 1990, khi NLD giành thắng lợi vang dội trong một cuộc tổng tuyển cử song quân đội không công nhận kết quả bỏ phiếu. Bà Suu Kyi từ chối tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2010.
Chí Linh