Đợt đình chỉ công tác diễn ra khi các trường đại học Myanmar mở cửa trở lại sau một năm đóng cửa do đại dịch Covid-19. Động thái này gây ra cuộc đối đầu mới giữa chính quyền quân sự với các giảng viên, nhân viên các trường đại học và sinh viên, nhiều người trong số này từng tham gia biểu tình phản đối quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực.
Một quan chức Liên đoàn Giáo viên Myanamar ngày 10/5 cho biết hơn 11.100 giảng viên cùng nhân viên các trường đại học và cao đẳng đã bị đình chỉ công tác. Theo thống kê năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Myanmar có hơn 26.000 giảng viên tại các trường đại học và cơ sở giáo dục bậc đại học khác.
Phát ngôn viên quân đội Myanmar chưa bình luận về lệnh đình chỉ này.
Một giáo sư cho biết bà được thông báo phải lên tiếng phản đối việc đình công hoặc mất việc. Bà cho hay ban giám hiệu nhà trường thông báo mọi giảng viên sẽ bị theo dõi và phải đưa ra lựa chọn.
Một giảng viên 37 tuổi khác cho biết "rất buồn khi phải từ bỏ công việc yêu thích" song vẫn tiếp tục tham gia phản đối chính quyền quân sự. "Bộ chủ quản hôm nay triệu tập, song tôi sẽ không đi. Chúng ta không nên làm theo lệnh của hội đồng quân sự", giảng viên này cho biết.
Nhiều giảng viên cùng bác sĩ và nhân viên chính phủ khác đã tham gia đình công, khiến Myanmar rơi vào trạng thái tê liệt. Sau khi các cuộc biểu tình bùng phát, lực lượng an ninh Myanmar phong tỏa nhiều khu học xá tại Yangon và một số thành phố khác.
Tờ Global New Light do quân đội Myanmar điều hành kêu gọi giảng viên và sinh viên "hợp tác" để khởi động lại hệ thống chính trị. "Những phần tử cơ hội chính trị không muốn nhìn thấy và ngăn cản phát triển bằng cách thực hiện các hành vi phá hoại", Global New Light đưa tin.
Chưa rõ việc đình chỉ công tác hơn 11.000 giảng viên và nhân viên sẽ ảnh hưởng ra sao tới nỗ lực mở cửa trở lại các trường đại học ở Myanmar.
Một nhóm quan sát địa phương cho biết có nhiều sinh viên trong số 780 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar và 3.800 người đang bị giam. Chính quyền quân sự phát lệnh truy nã 150 giảng viên với cáo buộc kích động bạo lực, ít nhất 47 người đã bị bắt.
Hệ thống giáo dục ở Myanmar được xếp thứ 92/93 trong một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2020. Dưới thời Cố vấn Suu Kyi, Myanmar chỉ chi 2% GDP cho giáo dục, tỷ lệ thuộc hàng thấp nhất thế giới, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)