Kao Kim Hourn, bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Campuchia, hôm nay cho biết thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing đưa ra cam kết trong cuộc họp qua video với ông Hun Sen hôm 26/1.
"Nhưng chúng tôi hiện chưa biết thành viên mà đặc phái viên sẽ gặp là những ai", Kao Kim Hourn, người cũng tham dự cuộc họp qua video cuối tháng trước, cho biết thêm.
Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2/2021. Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính kéo dài và leo thang năm ngoái, dẫn đến nhiều cuộc đụng độ giữa người dân với lực lượng an ninh.
Theo chính quyền quân sự Myanmar, hơn 70 quân nhân và 93 cảnh sát nước này đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính. Trong khi đó, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc nói rằng hơn 1.500 dân thường ở Myanmar đã chết trong các cuộc biểu tình hậu đảo chính.
Để tất cả các bên trong khủng hoảng Myanmar tham gia đối thoại là trụ cột chính của tiến trình hòa bình được ASEAN thông qua năm ngoái, trong đó có yêu cầu chấm dứt bạo lực và để đặc phái viên ASEAN tới Myanmar.
Kao Kim Hourn thừa nhận đặc phái viên ASEAN về Myanmar, tức Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn, khó có thể gặp cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi trong chuyến đi đầu tiên đến nước này.
"Ý tưởng, mục tiêu là gặp gỡ tất cả bên liên quan phù hợp và quan trọng. Nhưng điều đó có thể không diễn ra trong một chuyến thăm mà cần một số chuyến", Kao Kim Hourn nói. "Tất nhiên, sẽ rất tuyệt nếu gặp được bà Suu Kyi".
Phát ngôn viên chính quyền quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về các thông tin trên.
Hàng chục thành viên đảng NLD đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính. Nay Phone Latt, người phát ngôn của NLD, cho biết bất kỳ cuộc gặp nào với đặc phái viên ASEAN đều phải được đảng này đồng ý.
Campuchia, chủ tịch ASEAN năm nay, tuần trước yêu cầu Myanmar chỉ định một đại diện phi chính trị tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN, diễn ra vào tuần tới.
Trong năm Brunei làm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2021, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar không được mời tham dự hai sự kiện quan trọng gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 hồi tháng 10/2021 và Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại tháng 11/2021. Quyết định được đưa ra sau khi Myanmar không đồng ý để đặc phái viên ASEAN khi đó là Erywan Yusof, Ngoại trưởng thứ hai của Brunei, tới Myanmar gặp bà Suu Kyi.
Huyền Lê (Theo Reuters)