"Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và loại hoạt động khiêu khích, gây bất ổn này", Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/4 ra tuyên bố khi được hỏi về việc tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hiện diện ở vùng biển gần Malaysia. "Các hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Reuters ngày 17/4 dẫn ba nguồn tin cho biết tàu Địa Chất Hải Dương 8 đã bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành trên Biển Đông. Có lúc nó được 10 tàu Trung Quốc hộ tống.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng tình hình Covid-19 trong khu vực để thúc đẩy hiện diện tại Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 15/4 nói tàu Địa Chất Hải Dương 8 đang triển khai "các hoạt động bình thường" và cho rằng quan chức Mỹ đang "bôi nhọ Bắc Kinh" bằng vấn đề Biển Đông.
Tàu Địa chất Hải Dương 8 cùng ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện cách bờ biển Việt Nam 158 km, trong Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) Việt Nam hôm 14/4. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.
Đầu tháng 7/2019, tàu Địa chất Hải dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc cũng xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Đến cuối tháng 10/2019, nhóm tàu này rời đi. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động nhóm tàu nói trên của Trung Quốc, khẳng định vùng ở nam Biển Đông không thuộc khu vực tranh chấp.
Phương Vũ (Theo Reuters)