Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định hạn chế sự hiện diện ngoại giao tại Bolivia do tình trạng bất ổn chính trị hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này sau cuộc bầu cử gây tranh cãi dẫn đến biểu tình và cựu tổng thống Evo Morales phải từ chức, rời khỏi đất nước. Ngoài các thành viên gia đình, nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp cũng được phép rời Bolivia.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo công dân không đến Bolivia do "tình trạng bất ổn dân sự" và nói rằng chính phủ Mỹ đã giới hạn khả năng cung cấp dịch vụ khẩn cấp.
"Biểu tình, đình công và tuần hành tiếp tục xảy ra tại các thành phố lớn ở Bolivia. Một số cuộc biểu tình đã dẫn đến đối đầu bạo lực và chính quyền địa phương phải sử dụng các biện pháp kiểm soát đám đông để ngăn chặn biểu tình", thông cáo của bộ cho hay.

Người ủng hộ Morales tuần hành trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô La Paz hôm 12/11. Ảnh: AFP.
Tình trạng bất ổn xảy ra ở Bolivia sau khi cựu tổng thống Morales đắc cử nhiệm kỳ thứ tư hồi tháng 10. Phe đối lập cáo buộc Morales gian lận kết quả và yêu cầu tổ chức bầu cử lại. Biểu tình liên tiếp khiến Morales tuyên bố từ chức hôm 10/11 sau khi mất sự ủng hộ của quân đội và an ninh.
Sự ra đi của Morales thậm chí còn khiến tình hình tồi tệ hơn. Hình ảnh tại thành phố Cochabamba cho thấy cảnh sát đang phải vất vả ngăn chặn những người ủng hộ Morales. Tại thủ đô La Paz, các chính trị gia và lãnh đạo dân sự cũng đang chật vật thiết lập lại trật tự sau nhiều tuần biểu tình. Bộ trưởng Tư pháp Bolivia hôm 12/11 cho biết 7 người đã chết do tình trạng bất ổn nhiều tuần qua.
Huyền Lê (Theo AFP)