Hôm 10/3, giới chức ngân hàng California đã chỉ định Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) quản lý tài sản của Silicon Valley Bank. Đây được coi là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
Văn phòng chính và tất cả chi nhánh của ngân hàng này sẽ mở lại vào ngày 13/3. Tất cả người gửi tiền được bảo hiểm sẽ được tiếp cận tiền gửi của mình muộn nhất là sáng thứ Hai tuần sau. Tính đến cuối năm 2022, nhà băng này có 175 tỷ USD tiền gửi. Trong đó, chưa đầy 15% là được bảo hiểm, theo số liệu công bố mới nhất của Silicon Valley Bank.
Nguyên nhân là bảo hiểm tiền gửi của FDIC chỉ dành cho khách hàng sử dụng hàng ngày và gửi tối đa 250.000 USD. Trong khi đó, khách hàng của Silicon Valley Bank chủ yếu là các startup. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại đây để điều hành công ty và trả lương nhân viên.
FDIC cho biết sẽ bán tài sản của SVB và các khoản thanh toán cổ tức trong tương lai có thể được chuyển cho người gửi tiền không được bảo hiểm.
Rắc rối của SVB bắt đầu từ hôm 8/3. SVB Financial Group – công ty mẹ của SVB – thông báo đã bán 21 tỷ USD chứng khoán, lỗ 1,8 tỷ USD. Họ cho biết sẽ phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Thông tin này khiến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoảng loạn và khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi SVB.
Cổ phiếu SVB Financial Group vì thế giảm 60% phiên 9/3 và bị ngừng giao dịch sau đó. Các nỗ lực huy động vốn của SVB cũng thất bại. Ngân hàng này phải chuyển hướng sang bán tài sản. Tuy nhiên, việc tiền gửi bị rút ra ồ ạt đã khiến quá trình bán thêm phức tạp. Họ sau đó phải từ bỏ nỗ lực tìm người mua.
"Tình trạng của SVB xuống cấp nhanh đến mức không thể kéo dài thêm vài giờ nữa", CEO Better Markets Dennis M. Kelleher nhận xét, "Nguyên nhân là những người gửi tiền rút ra quá nhanh, khiến nhà băng mất thanh khoản. Việc đóng cửa ngay trong ngày là không thể tránh khỏi".
Sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua. Khi lãi suất còn quanh 0%, các ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, rủi ro thấp. Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi để đối phó lạm phát, giá trị số trái phiếu này giảm theo, khiến các ngân hàng phải gánh khoản lỗ khổng lồ trên giấy tờ.
Lãi suất cao cũng khiến các hãng công nghệ gặp khó, do nó làm giảm giá cổ phiếu và khiến họ khó huy động vốn, kinh tế trưởng tại Moody’s Mark Zandi giải thích. Việc này khiến nhiều hãng công nghệ phải rút tiền gửi khỏi SVB để duy trì hoạt động.
"Lãi suất cao cũng làm giảm giá trị của trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác mà SVB cần để trả cho người gửi tiền. Tất cả những việc này đã châm ngòi cho làn sóng rút tiền gửi, buộc FDIC phải tiếp quản SVB", Zandi cho biết.
Sự sụp đổ của SVB đang tạo ra cú sốc với cộng đồng startup – nhóm coi đây là nơi huy động vốn đáng tin cậy. SVB hiện là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ.
Nhiều nhà phân tích tại Wall Street cho rằng rắc rối của SVB không thể lan rộng trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, cổ phiếu nhiều ngân hàng quy mô trung bình vẫn chịu sức ép trong phiên hôm qua.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)