"Chúng tôi thường xuyên có các chuyến bay qua không phận quốc tế trên khắp Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực mà Trung Quốc đưa vào vùng nhận dạng phòng không của họ", AFP dẫn lời Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc hôm qua cho biết.
"Những chuyến bay này phù hợp với chính sách tự do hàng không mang tính chất lâu dài và phổ biến của Mỹ. Chính sách này được áp dụng trong nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tôi có thể xác nhận rằng Mỹ đã và sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực như bình thường", ông Warren nói thêm.
Tuy nhiên, trong một thông báo hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, các chuyến bay thương mại của nước này nên tuân thủ yêu cầu từ phía Trung Quốc về việc khai báo trước khi đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh thiết lập. Sự tuân thủ này không có nghĩa là chính phủ Mỹ chấp nhận những đòi hỏi của Trung Quốc tại ADIZ.
Lặp lại những tuyên bố trước đó của chính quyền Tổng thống Barack Obama, Bộ Ngoại giao bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" trước động thái trên của Bắc Kinh.
Trung Quốc hôm qua tuyên bố triển khai chiến đấu cơ nhận dạng 12 máy bay quân sự của Mỹ và Nhật được cho là vào khu vực ADIZ.
"Các chiến đấu cơ Trung Quốc đã nhận dạng hai máy bay do thám Mỹ và 10 phi cơ Nhật, trong đó có một chiến đấu cơ F-15", hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Thân Tiến Khoa, phát ngôn viên không quân Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc hôm 23/11 tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên bầu trời biển Hoa Đông, bao trùm khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Bắc Kinh yêu cầu máy bay các nước đi vào vùng này phải thông báo và chấp hành mệnh lệnh của Trung Quốc.
Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đều cáo buộc Bắc Kinh đang khiến căng thẳng trong khu vực biển Hoa Đông gia tăng. Mỹ tuyên bố sẽ không thực hiện những quy tắc mà Bắc Kinh đề ra và cam kết ủng hộ Nhật trong trường hợp có xung đột xảy ra tại Senkaku/Điếu Ngư.
Hôm 25/11, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam đã bay qua ADIZ, phớt lờ yêu cầu của Bắc Kinh và không gặp sự cố nào.
Nguyễn Tâm - Anh Ngọc