Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua gặp gỡ với các nhà lập pháp của Quốc hội Mỹ, trong đó cảnh báo rằng phương án can thiệp quân sự vào Syria vẫn được duy trì để thúc đẩy các biện pháp ngoại giao chóng phát huy tác dụng, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hóa học ở Damascus.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trước Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ rằng Syria sở hữu khoảng "1.000 tấn vũ khí hóa học các loại", bao gồm khí mù tạt và chất độc sarin, và một biện pháp mạnh tay là "cách cuối cùng để ngăn chặn cũng như làm suy yếu" kho vũ khí của Damascus.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cảnh báo một "hành động quân sự thực sự" vẫn được bảo lưu.
Các nhà lãnh đạo chính quyền và ngoại giao các nước đều đang nỗ lực để theo kịp các diễn biến của sự việc, sau khi các quan chức tiết lộ kế hoạch về việc giải quyết khủng hoảng Syria đã được Nga và Mỹ thảo luận kín trong thời gian diễn ra Hội nghị G20, để ngoại trưởng Nga đưa ra sau đó.
Ông Kerry, người ủng hộ biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Assad mạnh mẽ nhất trong chính phủ Mỹ, bất ngờ có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem qua Internet.
Ông kêu gọi hai bên "tận dụng cơ hội này để xây dựng hòa bình cho Syria", AFP cho hay.
"Hãy hợp tác với chúng tôi trong những ngày làm việc tiếp theo với Nga để bàn giao thành công các vũ khí cho quốc tế kiểm soát và phá hủy", Kerry nói trong cuộc họp do Google hỗ trợ.
Trước đó, ông Muallem cho biết Syria đã sẵn sàng tham gia các hiệp ước quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học. Ông cũng tuyên bố Damascus "đã đồng ý" với đề xuất của Nga về việc bàn giao kho vũ khí hóa học cho quốc tế kiểm soát, giải pháp được cho là để tránh cuộc không kích của Mỹ.
Ngày mai, ngoại trưởng Mỹ sẽ lên đường tới Geneva, Thụy Sĩ, để thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. "Nếu chúng ta có thể thực sự kiểm soát được các vũ khí hóa học ở Syria thông qua biện pháp này, thì đây là biện pháp thích hợp nhất vào thời điểm hiện nay và sẽ là một thành tích đáng kể", ông Kerry nói.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa Nga và Mỹ cùng các đồng minh về các điều khoản của thỏa thuận cuối cùng phản ánh một sự thỏa hiệp và cuộc "đấu tranh" lâu dài để đưa ra được sự đồng thuận quốc tế.
Tổng thống Obama đã điện đàm với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande để bàn về việc xây dựng bản dự thảo của kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học Syria trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc.
Pháp tỏ ý sẵn sàng đưa ra bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, và ngôn ngữ trong bản dự thảo cần mạnh mẽ cũng như thể hiện rõ rằng Syria sẽ phải đối mặt với những "hậu quả nghiêm trọng" nếu không tuân thủ. Tuy nhiên, cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an đã bị hủy vào phút chót theo yêu cầu của phía Nga.
Vũ Hà