![]() |
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và người đồng cấp Czech Karel Schwarzenberg trao đổi văn bản sau lễ ký tại Prague. Ảnh: AP. |
Thoả thuận quốc phòng trên được ký tại thủ đô Prague, cho phép Mỹ xây dựng một căn cứ radar phục vụ lá chắn tên lửa trên đất Czech. Tuy hai bên đã chính thức bắt tay nhau về vấn đề này nhưng kế hoạch phòng thủ của Mỹ vẫn gặp phải nhiều ý kiến bất đồng tại Czech.
Các đảng đối lập Czech phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ và kêu gọi trưng cầu dân ý. Thoả thuận trên phải được quốc hội Czech phê chuẩn mới có hiệu lực và để đạt được điều này, chính phủ Prague cần thuyết phục được lá phiếu của các đảng đối lập. Hơn 10.000 người Czech cũng đã ký vào đơn kiến nghị phản đối lá chắn tên lửa.
Trong khi đó, Mỹ và Ba Lan vẫn chưa thể đạt được thoả thuận về việc cho Washington lắp đặt 10 quả tên lửa đánh chặn, một phần của lá chắn tên lửa. Cuộc đàm phán giữa bà Rice với người đồng cấp Ba Lan Radek Sikorski tại Washington hồi đầu tuần về nội dung này không đạt kết quả và hai bên tiếp tục thương lượng.
Nhưng sức ép lớn nhất của Mỹ trong kế hoạch trên chính là sự phản đối kịch liệt của Nga, nước coi lá chắn tên lửa là mối đe doạ đối với nền an ninh của họ. Matxcơva còn doạ sẽ hướng tên lửa của mình vào các căn cứ phục vụ cho hệ thống phòng thủ hoả tiễn của Mỹ trên đất Ba Lan hoặc Czech.
Còn Mỹ muốn hệ thống lá chắn tên lửa của mình với các bộ phận đặt ở hai nước Đông Âu đi vào hoạt động từ năm 2012, nhằm chống lại các vụ tấn công bằng hoả tiễn từ các nước mà họ cho là “cứng đầu” như Iran và Triều Tiên.
Đình Chính (theo BBC, AP)