"Phần Lan và Thụy Điển sẽ thu được lợi ích lớn khi trở thành thành viên NATO trong bối cảnh thế giới thay đổi mạnh mẽ", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 28/4.
Blinken cho hay Mỹ mong chờ hai quốc gia Bắc Âu đưa ra quyết định và sẽ "ủng hộ mạnh mẽ" nếu Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken không tiết lộ chi tiết về thời gian chờ gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan, cho hay các nước thành viên sẽ thảo luận thêm về vấn đề này trong cuộc họp thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 5.
Mỹ từ lâu đã công khai tuyên bố ủng hộ chính sách "mở cửa" của NATO với các ứng viên xin gia nhập, song một nhà ngoại giao Bắc Âu giấu tên cho rằng đây là phát biểu thể hiện sự ủng hộ lớn nhất của Mỹ với việc kết nạp thành viên mới của NATO. Tuyên bố của Ngoại trưởng Bliken được cho là có khả năng khiến Nga bất bình.
Nga từ lâu phản đối NATO mở rộng về phía đông. Điện Kremlin hôm 11/4 cảnh báo nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.
Tờ Expressen của Thụy Điển ngày 25/4 đưa tin Phần Lan và Thụy Điển có thể nộp đơn xin gia nhập NATO sớm nhất vào tháng 5.
Các nhà phân tích cho rằng xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân chính khiến Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ chính sách an ninh trung lập truyền thống của mình và đi đến quyết định trở thành thành viên NATO.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Điển và Phần Lan đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với NATO và thường xuyên cử lực lượng tham gia các cuộc tập trận chung với khối. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong huấn luyện quân sự từ năm 2015.
Nhưng dù là đối tác thân thiết của NATO, Helsinki và Stockholm đều không được bảo vệ theo Điều 5 về quy tắc phòng thủ chung theo hiệp ước của liên minh. Giới quan sát cho rằng gia nhập NATO sẽ giúp cả hai nước tăng đảm bảo an ninh và sức răn đe trước các mối đe dọa.
Đức Trung (Theo Washington Post)