Các đồng tiền có mệnh giá lớn xuất hiện từ năm 1861, cùng năm nổ ra cuộc nội chiến tại Mỹ, với những mệnh giá 500 USD, 1.000 USD, 5.000 USD. Đến năm 1865, thời điểm kết thúc cuộc nội chiến, xuất hiện thêm tờ chứng nhận vàng 10.000 USD. Vào năm 1934, tờ 100.000 USD được đưa vào lưu hành.
Mục đích phát hành tiền mệnh giá lớn là để phục vụ các giao dịch có giá trị lớn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ thiết kế các hình trang trí có vòng cuộn trên các đồng tiền có mệnh giá lớn. Tất cả các đồng tiền này có màu xanh, trừ tờ 100.000 USD có một mặt màu vàng.
Thực tế, tờ 100.000 USD không phải là tiền, mà là giấy chứng nhận sở hữu vàng, nhưng được in dưới dạng một tờ tiền. Theo quy định, các tờ chứng nhận này chỉ dành cho Chính phủ trong các giao dịch vàng. Nếu người dân sở hữu các đồng tiền này, họ sẽ bị coi là phạm pháp. Đến năm 1940, Mỹ cho đình chỉ việc lưu hành các giấy chứng nhận này và ngày nay người ta chỉ còn thấy chúng trong bảo tàng.
Mặt trước và sau tờ bạc 100.000 USD của Mỹ. Ảnh: wikipedia |
Các tờ tiền mệnh giá lớn khác cũng bị ngừng in ấn từ năm 1946, và rút khỏi lưu thông vào năm 1969. Sau đó, ông chủ của sòng bạc Binion's Horseshoe tại bang Nevada sưu tầm được một số tờ và dùng để trưng bày trong sòng bạc. Nhưng hiện nay, các tờ tiền này cũng đã được bán cho các nhà sưu tầm.
Hiện mệnh giá lớn nhất của đôla Mỹ là 100 USD, nhưng đôi khi người ta vẫn thấy xuất hiện những đồng tiền giả có mệnh giá lớn hơn nhiều. Đến nay, tại Mỹ đã ghi nhận các tờ đôla giả có mệnh giá 3 USD, 22 USD, đến 1 triệu, 1,329 triệu USD và kỷ lục là ... 1 tỷ USD.
Năm 2001, một người đàn ông Mỹ mua kem hoa quả tại hội chợ bằng một tờ 200 USD giả có hình Tổng thống George W. Bush. Sau đó 2 năm, một người khác cũng dùng một tờ 200 USD có hình ảnh một người hao hao giống Tổng thống Bush để mua một gói thịt giá 150 USD.
Trong một trường hợp khác, một nữ khách hàng có tên Alice Regina Pike tại bang Georgia đã dùng tờ tiền có mệnh giá 1 triệu USD với hình ảnh của tượng nữ thần tự do để trả cho số hàng trị giá 1.671 USD tại một siêu thị của Wal-Mart. Bà này sau đó đã bị bắt giữ vì sử dụng tiền giả.
Hiện các đồng tiền lưu niệm cũng xuất hiện khá nhiều, và chủ yếu có hình biếm họa các nhân vật nổi tiếng, như cựu tổng thống Bill Clinton và vợ là thượng nghị sĩ Hillary Clinton, hay Michael Jackson. Người Mỹ cũng có câu nói cửa miệng liên quan đến tiền giả "kỳ quặc như đồng 3 đôla".
Thu Nga (theo Wikipedia)