World Cup 2026 sẽ được tổ chức tại 23 thành phố thuộc Mỹ, Canada và Mexico. Các thành phố này đều lạc quan rằng du lịch và tăng hiện diện quốc tế sẽ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương.
Kìm hãm chi phí cho cơ sở hạ tầng là mấu chốt để thành công về mặt kinh tế với bất kỳ quốc gia nào muốn tổ chức các sự kiện thể thao, Victor Matheson - Giáo sư kinh tế tại College of the Holy Cross cho biết. World Cup 1994 tổ chức tại Mỹ thành công về kinh tế hơn 5 kỳ World Cup gần đây. Họ chỉ chi 5 triệu USD cho các sân vận động, so với 3,6 tỷ USD tại Brazil năm 2014.
Vì vậy, World Cup năm 2026 được dự báo cũng sẽ theo hình mẫu này. 15 trên 17 sân vận động mà Mỹ đề xuất đều là sân nhà của các đội bóng đá Mỹ trong giải vô địch quốc gia (NFL). Để tổ chức World Cup, chúng có thể cần cải tạo. Tuy nhiên, Matheson cho biết các sân vận động mới được thiết kế đặc biệt để vẫn có thể làm sân bóng bình thường.
“Chi phí công bỏ ra sẽ không lớn”, tài liệu giới chức Mỹ nộp lên FIFA cho biết. Mỹ ước tính sự kiện này sẽ tạo thêm 5 tỷ USD hoạt động kinh tế ngắn hạn.
Dù vậy, nhiều người vẫn cảnh báo các kỳ World Cup trước cho thấy mặt hại nhiều hơn là lợi. World Cup 2014 ở Brazil tiêu tốn 15 tỷ USD. “Đây là một việc làm lãng phí, tốn kém vô ích”, Brian Winter - Phó chủ tịch phụ trách chính sách tại Hội đồng doanh nghiệp châu Mỹ nhận xét, “Tất cả những lời hứa hẹn đều tan thành mây khói”.
Những kế hoạch đầu tư vào tàu cao tốc hay xây bay mới đều bị kéo dài, do nước này đổ tiền vào xây các sân vận động khổng lồ, với hy vọng tạo thêm cơ hội kinh tế. Tuy nhiên, Ludovic Subran - kinh tế trưởng tại Euler Hermes - cho rằng đó chỉ là những hy vọng hão huyền. “Nó giống như xây một sân vận động ở Rust Belt (một khu vực của Mỹ) và nói rằng sẽ kích thích kinh tế cả nước vậy. Làm gì có chuyện đó”.
Một số sân vận động ở Brazil còn được xây tại các vùng hẻo lánh, như Manaus gần rừng mưa nhiệt đới Amazon. Sau khi World Cup kết thúc, nó chẳng mấy khi được sử dụng.
Kinh tế Brazil từ trước đó đã bất ổn, do nợ khu vực tư nhân và lạm phát tăng cao. Năm 2014, họ rơi vào suy thoái. Tổ chức World Cup không cứu được Brazil, mà có lẽ còn góp phần đẩy họ chìm sâu vào khủng hoảng.
Chicago đã rút lui khỏi việc cạnh tranh đăng cai World Cup 2026 vì FIFA yêu cầu xây mái vòm quanh sân vận động Soldier Field của thành phố này. “Sự cứng nhắc và không sẵn sàng đàm phán của FIFA rõ ràng ám chỉ Chicago sẽ chẳng có lợi gì nếu cứ theo đuổi việc này”, người phát ngôn của thị trưởng Chicago - Rahm Emanuel cho biết.
Dù vậy, thị trưởng Miami - Carlos Gimenez lại khá lạc quan. Ông cho rằng World Cup có thể thúc đẩy du lịch trong mùa thấp điểm tại Miami. “Đó sẽ là một cú hích kinh tế khổng lồ”, ông dự báo. World Cup được kỳ vọng mang về 800 triệu USD - 1,6 tỷ USD cho thành phố này.
Tuy nhiên, lợi ích ròng từ du lịch cũng thường khá khiêm tốn, Andrew Zimbalist - tác giả một cuốn sách nghiên cứu về kinh tế các nước chủ nhà Olympics và World Cup cho biết. Theo ông, “hiệu ứng di tản” sẽ bù lại doanh thu từ khách du lịch, do người dân cũng sẽ rời đi để tránh xáo trộn.
Bên cạnh đó, một số thành phố cũng sẽ hưởng lợi hơn thành phố khác. Ví dụ, New York là thánh địa du lịch vào mùa hè. Nhưng nếu họ không được chọn làm nơi thi đấu, khách du lịch có thể chuyển đến thành phố khác. Ngược lại, nếu sân vận động Gillette của Boston được chọn, du lịch tại đây sẽ khởi sắc. Năm 1994, thành phố thiệt hại nhất tại Mỹ là Orlando, vì bóng đá khiến doanh thu các công viên mô phỏng ở đây lao dốc.
Trong khi đó, tăng hiện diện toàn cầu còn khó đong đếm hơn du lịch. Dalas là một trong các thành phố được chọn trong World Cup 1994. Bobby Abtahi - một trong các lãnh đạo thành phố cho rằng việc này đã giúp danh tiếng của họ tăng lên. “Chúng tôi đã gạt bỏ được rất nhiều hiểu nhầm và thực sự trở thành một thành phố quốc tế kể từ đó”, ông nói.
Winter thì cho biết thành công hay không đều chỉ là vấn đề nhận thức mà thôi. “Hãy ngừng giả vờ rằng việc này có mục đích khác đi. Cứ nghĩ đây chỉ là tổ chức một bữa tiệc khổng lồ thôi là được”.
Hà Thu (theo CNN)