"Nếu Israel tiến quân vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí để họ làm điều đó", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc phỏng vấn với CNN đầu tháng này, ba ngày sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bắt đầu chiến dịch ở ngoại ô thành phố Rafah, cực nam Gaza.
Mỹ khi đó không ngừng gây sức ép với Israel để chấp nhận đàm phán chấm dứt chiến sự ở Gaza, giải cứu con tin và hướng tới giải pháp hai nhà nước nhằm đạt hòa bình lâu dài cho khu vực. Để tăng thêm sức nặng, ông Biden tuyên bố Mỹ đã dừng chuyển lô bom hạng nặng cho Israel, loại vũ khí mà Tel Aviv cần dùng để tập kích các mục tiêu kiên cố trong khu vực đô thị ở Gaza.
Khi Israel bác bỏ dự thảo thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và rục rịch đưa quân vào Rafah để "xóa sổ" nhóm vũ trang Gaza, Tổng thống Biden đã tuyên bố đây là "lằn ranh đỏ" với Mỹ, bởi Rafah là nơi trú ẩn cuối cùng của hơn một triệu người Palestine sơ tán từ khắp dải đất.
Trong những tuyên bố sau đó, ông Biden cùng quan chức an ninh quốc gia Mỹ hàng đầu đều nói rằng Washington "không ủng hộ" chiến dịch tấn công lớn vào Rafah, đặc biệt là nếu Israel không vạch ra kế hoạch bảo vệ dân thường và tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho khu vực.
Nhưng Israel đã phớt lờ mọi cảnh báo của Mỹ, tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah, không kích trại tị nạn và điều xe tăng tiến vào trung tâm thành phố.
Gần hai tuần sau khi Israel bắt đầu chiến dịch ở Rafah, chính quyền Tổng thống Biden lại nói rằng lằn ranh đỏ mà họ từng vạch ra vẫn "chưa bị vượt qua".
"Những gì chúng ta thấy cho đến nay về các hoạt động quân sự của Israel trong khu vực đó là có mục tiêu và hạn chế hơn, chưa phải là cuộc tấn công quy mô lớn vào trung tâm đô thị đông đúc", Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, nói tuần trước.
Ông thêm rằng "không có công thức toán học" để đánh giá quy mô cuộc tấn công của IDF và "những gì chúng tôi xem xét là liệu nó có gây ra nhiều thương vong hoặc sự tàn phá, hay nó được tiến hành một cách chính xác và có điều chỉnh".
Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo trong khu vực nói rằng chính quyền Tổng thống Biden đang từ chối thừa nhận những gì họ không muốn thấy.
Khi lực lượng Israel tiến vào Rafah từ phía đông và di chuyển dần phía trung tâm Rafah, "thành phố này hiện tồn tại ba thế giới hoàn toàn khác nhau", theo Suze van Meegan, người phụ trách hoạt động của Hội đồng Tị nạn Na Uy ở khu vực Gaza.
"Phía đông là khu vực giao tranh điển hình, ở trung tâm giống như thành phố ma và ở phía tây là nơi mọi người sống chen chúc trong điều kiện tồi tệ", Meegan nói.
Bà khẳng định cuộc tấn công "hạn chế" mà Israel tuyên bố không giúp tạo ra khác biệt trên thực địa, khi nỗi hoảng loạn và sợ hãi vẫn bao trùm khắp nơi. Nhiều người Palestine đã vội vã rời khởi Rafah trong những ngày qua vì lo ngại những gì có thể xảy ra.
Hầu hết họ đã tới thành phố Khan Younis gần đó, nơi đã biến thành đống đổ nát trong cuộc tấn công mùa xuân của Israel và có nhiều bom mìn chưa nổ. Một số quay lại miền trung hoặc bắc Gaza, nơi giao tranh vẫn tiếp tục, trong khi số khác đến vùng đất ven biển cằn cỗi ở Al-Mawasi.
"Những gì xảy ra ở Rafah chỉ là khởi đầu chậm chạp cho chiến dịch toàn diện, trong đó dân thường vẫn thiệt mạng trong các hoạt động quân sự dưới vỏ bọc cuộc tấn công chính xác", một quan chức cứu trợ giấu tên nói.
Edem Wosornu, giám đốc Văn phòng Điều phối hoạt động nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) tuần trước cho biết "tình hình nhân đạo ở Gaza ngày càng cấp bách, trong bối cảnh hoạt động quân sự của Israel đang diễn ra trong và xung quanh Rafah. Các tổ chức nhân đạo gần như không còn ngôn từ nào để có thể mô tả những gì đang diễn ra".
Cảnh báo về lằn ranh đỏ của ông Biden đã vấp chỉ trích gay gắt từ các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ. Họ cáo buộc ông "phá hoại cuộc đấu tranh của Israel" chống lại Hamas, nhóm vũ trang đã tiến hành cuộc đột kích ngày 7/10/2023 và khiến xung đột bùng phát.
Trong chính phủ Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các đồng minh nói rằng bất cứ ai hoài nghi chiến thuật của Tel Aviv đều là những người muốn Hamas chiến thắng. Nếu Mỹ và các nước khác không muốn giúp đỡ, ông Netanyahu nói Israel "sẵn sàng đứng một mình".
Nhà Trắng cũng đối mặt với áp lực từ làn sóng biểu tình tại các trường đại học và thành phố trên khắp đất nước, cùng với cáo buộc từ thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội và các nước khác rằng ông Biden đang hỗ trợ Israel "diệt chủng" trong cuộc xung đột đã khiến hơn 36.000 người thiệt mạng ở Gaza.
"Công chúng không rõ sự khác biệt giữa những gì chúng ta đang thấy ở Rafah và những gì sẽ được coi là vượt lằn ranh đỏ của Tổng thống Biden. Ông có thể giải thích cho chúng tôi không?", nghị sĩ Dân chủ Sara Jacobs nói với Ngoại trưởng Antony Blinken trong phiên điều trần tại Hội đồng Đối ngoại Hạ viện gần đây.
Chính quyền ông Biden dường như đang cố xoa dịu cả hai phe. Sau khi dừng chuyển giao lô bom hồi đầu tháng này, ông Biden nhanh chóng phê duyệt lô vũ khí mới trị giá một tỷ USD cho Israel, hầu hết trong đó là đạn xe tăng và đạn cối vốn được Tel Aviv sử dụng ở Rafah và nhiều nơi khác tại Gaza. Các cuộc không kích vẫn tiếp diễn.
Quan chức Mỹ giấu tên nói rằng họ chấp nhận sẽ có thương vong dân thường trong chiến dịch tấn công Rafah của Israel, song nhấn mạnh Washington vẫn phản đối bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới số người chết quá lớn như những gì từng xảy ra ở Khan Younis và Gaza City.
Ông Sullivan nói IDF đã điều chỉnh hoạt động quân sự của họ. "Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về Rafah. Những điều này đã được xây dựng trong các cuộc thảo luận về cách Israel có thể đánh bại Hamas ở Gaza trong khi giảm thiểu thiệt hại cho dân thường", ông nói, thêm rằng Mỹ đã cung cấp loạt phương tiện và khả năng để giúp Israel "săn lùng" các lãnh đạo Hamas.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuần trước có vẻ không tự tin về hướng đi hiện tại của chiến dịch Rafah. Ông cho biết đã có quá nhiều thường dân thiệt mạng ở Gaza và nói rằng "chúng tôi muốn thấy mọi thứ được tiến hành theo cách khác, chính xác hơn, ít phá hủy hạ tầng dân sự và bảo vệ dân thường nhiều hơn".
Người phát ngôn IDF Daniel Hagari cho biết "IDF đã cam kết tuân thủ luật quốc tế" và "điều chỉnh các hoạt động tác chiến để có thể giảm thiểu thiệt hại đối với người dân Gaza đang trú ẩn". Ông khẳng định Israel đã vận động thành công khoảng một triệu dân thường sơ tán khỏi Rafah tới các khu vực nhân đạo xung quanh.
Bất chấp những tuyên bố như vậy từ Israel, giới quan sát cho rằng Tel Aviv đã không cung cấp đầy đủ kế hoạch bảo vệ dân thường trước khi tiến đánh Rafah.
Ciaran Donnelly, quan chức cấp cao tại Hội đồng Cứu trợ Thế giới ở New York, cho biết chính phủ Israel không đưa ra biện pháp hỗ trợ nào cho hàng trăm nghìn người bị buộc phải rời khỏi Rafah. Khu vực bờ biển Mawasi, nơi nhiều dân thường Palestine tới trú ẩn, không an toàn và thiếu những dịch vụ cơ bản.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller thừa nhận quy mô vấn đề. "Chúng tôi rất lo ngại về khả năng cung cấp thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ nhân đạo, nơi ở và vệ sinh cho họ. Chúng tôi đang làm việc tới đối tác quốc tế về vấn đề đó, đồng thời đối thoại với chính phủ Israel", ông nói.
Từ vài trăm xe tải mỗi ngày, số xe chở hàng viện trợ vào Gaza từ tất cả các cửa khẩu đường bộ đã giảm xuống mức hai con số, theo OCHA. Các hoạt động tác chiến của Israel trong và xung quanh Rafah đã khiến việc tiếp cận các kho hàng viện trợ nhân đạo của LHQ trở nên bất khả thi.
Mỹ đã đưa ra giải pháp thay thế bằng cách xây dựng cầu tàu cạnh bờ biển miền trung Gaza. Các quan chức Mỹ ngày 23/5 cho biết 820 tấn hàng viện trợ đã được chuyển vào dải đất thông qua con đường này. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc ngày 28/5 thông báo ngừng các chuyến hàng nhân đạo vào Dải Gaza vì cầu tàu đã bị hư hại do thời tiết xấu.
Nỗ lực viện trợ cho khu vực cũng đối mặt với rất nhiều thách thức khác, từ khâu vận chuyển, bốc dỡ, phân phối cho tới nguy cơ bị tấn công. Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), cho hay mỗi ngày trôi qua, việc cung cấp hỗ trợ và bảo vệ cho người dân trong khu vực trở nên "gần như không thể".
Bất chấp những cảnh báo từ đồng minh và đối tác khu vực, Israel cuối tuần qua tập kích khu trại dành cho người tị nạn tại Rafah, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Nhiều quốc gia và tổ chức mạnh mẽ lên án hành động này của Tel Aviv, song Mỹ tiếp tục cho biết hành động này vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ của họ.
"Sau cuộc tập kích ngày 26/5, không có bất kỳ thay đổi chính sách nào mà tôi phải đề cập đến. Nó vừa mới xảy ra, Israel sẽ điều tra", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 28/5 nói, thêm rằng Washington không tin hành động trên là một chiến dịch quân sự toàn diện có thể vi phạm "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Biden vạch ra.
Giới quan sát cho rằng với những tuyên bố, hành động như vậy, Mỹ đã tự phá bỏ lằn ranh đỏ mà họ vạch ra, bởi không muốn làm tổn hại quan hệ với Israel, đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, AFP, CNN)