5 quan chức bị truy tố gồm Wang Dong, Sun Kailiang, Wen Xinyu, Huang Zhenyu và Gu Chunhui. Tất cả đều thuộc đơn vị 61398 của Quân đội Trung Quốc (PLA), AFP cho hay. Nếu bị kết tội, những người này có thể phải đối mặt với án tù 15 năm.
AP dẫn cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 5 quan chức trên bị cáo buộc đã đột nhập máy tính của nhiều công ty và một nghiệp đoàn của Mỹ để tiếp cận bí mật thương mại và những liên lạc cá nhân.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi công bố tên cùng khuôn mặt những kẻ sử dụng bàn phím ăn cắp thông tin từ các doanh nghiệp Mỹ", John Carlin, người đứng đầu Bộ phận An ninh quốc gia Bộ Tư pháp Mỹ, nói.
Theo các công tố viên, hoạt động đột nhập được những tin tặc tiến hành từ một tòa nhà ở thành phố Thượng Hải. Họ đánh cắp bí mật kinh doanh để giành lợi thế cạnh tranh cho các công ty Trung Quốc. Trong một số trường hợp, họ tiếp cận mạng lưới máy tính bằng cách gửi email xác thực, có liên kết với một mã độc, tới nhân viên công ty. Những email này sau đó sẽ cài phần mềm độc hại vào máy tính người nhận và cho phép tin tặc truy cập trái phép vào hệ thống.
Phản ứng trước cáo buộc từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trong cùng ngày nói rằng nước này quyết định ngừng các hoạt động của Nhóm Hoạt động mạng Trung Quốc - Mỹ bởi Washington "thiếu chân thành trong giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh mạng thông qua đối thoại và hợp tác", Xinhua cho hay.
Ông Tần cho rằng Bản cáo trạng của Mỹ vi phạm các tiêu chí cơ bản trong quan hệ quốc tế và gây nguy hiểm cho sự hợp tác Trung Quốc - Mỹ cũng như sự tin tưởng lẫn nhau, đòi thu hồi "cáo trạng".
Tin tặc từ lâu đã là một vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. BBC dẫn lời các quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cho biết những vụ tấn công tin tặc trong khoảng từ năm 2006 đến 2014 đã gây ra những "tổn thất nặng nề" cho nhiều công ty. Tổng thống Mỹ Barack Obama coi tấn công mạng là "nguy cơ thực sự" với an ninh cũng như nền kinh tế Mỹ.
Như Tâm