Mấu chốt mà ông Trump muốn để chấp nhận đặt bút ký một thỏa thuận ban đầu là Trung Quốc cam kết mua nông sản của Mỹ ra sao. Đây là điều mà hai bên vẫn đang "kỳ kèo".
Tuy nhiên, không có gì chắc chắn hai bên sẽ kịp chốt thỏa thuận trong ít ngày còn lại. Các quan chức Bắc Kinh và Washington cũng phát tín hiệu rằng họ không xem 15/12 là hạn cuối để đạt thỏa thuận. Thực tế, hai phía cũng đã không ít lần "đổ bể" khi sắp thương lượng thành công.
Thứ sáu tuần trước, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói thời hạn cho thỏa thuận là tùy ý. Tại cuộc họp Hội đồng CEO của Wall Street Journal hôm qua, ông Kudlow nhắc lại rằng đợt áp thuế cuối tuần này vẫn triển khai nếu ông Trump không hài lòng về kết quả đàm phán.
Cũng hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói điều quan trọng hơn là có được một thỏa thuận tốt cho Mỹ, khi được hỏi liệu đợt thuế ngày 15/12 có thực hiện hay không. Tuần trước, ông Ross cho biết, thuế quan sẽ áp dụng nếu hai bên không có thỏa thuận trước ngày 15/12.

Nhân viên chuẩn bị khu vực chụp ảnh nhóm của đoàn đám phán thương mại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh vào tháng 2/2019. Ảnh: Reuters
Trong khi cả hai nước thừa nhận các cuộc đàm phán có thể kéo dài qua ngày 15/12 thì ông Trump một mặt vừa đang đe dọa một cuộc chiến thương mại lâu hơn, mặt khác vẫn cố gắng trấn an các nhà đầu tư. Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của tổng thống, gần đây cũng đã tham gia vào nỗ lực giúp hai bên đạt thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra với các thảo luận gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, tính đến thứ sáu tuần trước, trưởng đàm phán hai bên đã không nói chuyện với nhau 10 ngày.
Mỹ dự kiến áp 15% thuế quan đối với khoảng 165 tỷ USD sản phẩm của Trung Quốc vào chủ nhật này, trừ khi hai bên đạt thỏa thuận, hoặc ông Trump quyết định tạm dừng để cho phép tiếp tục đàm phán.
Cả người Trung Quốc và nhiều người ở phía Mỹ đều không muốn đợt thuế này có hiệu lực, vốn sẽ đánh mạnh vào điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo.
Đối với Trung Quốc, thuế quan mới sẽ làm trì trệ thêm nền kinh tế. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 23% trong tháng 11 so với một năm trước đó. Với Mỹ, thuế quan có thể thúc đẩy phản ứng của người tiêu dùng.
Những tuần gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng hơn sau khi hai dự luật liên quan đến Hong Kong và Tân Cương được Quốc hội Mỹ thông qua. Bắc Kinh kịch liệt lên án cả hai.
Dù hai nước đang giữ cho các cuộc đàm phán thương mại tách biệt với các vấn đề địa chính trị, nhưng căng thẳng gia tăng cũng làm nổi lên những quan điểm cứng rắn ở hai phía. Các nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại New York, ước tính rằng 65% khả năng thỏa thuận giai đoạn một sẽ đạt được.
Phiên An (theo WSJ)