Các lệnh trừng phạt được đưa ra chỉ 5 ngày trước khi Ngoại trưởng Mike Pompeo rời Bộ Ngoại giao Mỹ. Pompeo chỉ trích "chiến dịch lớn" ngày 6/1 tại Hong Kong khi giới chức Trung Quốc bắt 55 người, trong đó có luật sư người Mỹ John Clancey.
"Chúng tôi lên án hành động làm xói mòn các quyền tự do và dân chủ tại Hong Kong của Trung Quốc, sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ sẵn có để buộc những người liên quan chịu trách nhiệm", Pompeo cho biết trong thông cáo ngày 15/1.
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào 6 người, bao gồm Đàm Diệu Tông, đại diện của Hong Kong trong quốc hội Trung Quốc. Trước đó, Mỹ trừng phạt Trưởng đặc khu Carrie Lam, bà thừa nhận không thể tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng.
Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày thông báo sẽ trừng phạt Bộ trưởng Nội vụ Cuba Lazaro Alberto Alvarez Casas, vài ngày sau khi Pompeo đưa quốc đảo trở lại danh sách "quốc gia tài trợ khủng bố". Động thái này được đánh giá gây khó khăn cho nỗ lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden nhằm khôi phục một số chính sách thời Barack Obama để bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ.
Biden cũng dự kiến đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, vốn đạt được dưới thời Obama. Tổng thống đắc cử cho rằng chính sách gây áp lực tối đa của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm lệnh cấm bán dầu diện rộng, không thể kiềm chế Iran trên bất cứ lĩnh vực nào.
Ngoại trưởng Pompeo ngày 15/1 thông báo áp lệnh trừng phạt với một công ty thép Trung Quốc và một công ty vật liệu xây dựng đặt trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) do hợp tác với Iran Shipping Lines, công ty bị Mỹ trừng phạt trước đó.
Trung Quốc, Iran và các công ty làm ăn với quốc gia Trung SSông này chưa bình luận về loạt lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Bộ trưởng Lazaro Alberto Alvarez, gọi đây là "hành động của một chính quyền muốn để lại di sản cô lập và thất bại trong chính sách đối ngoại".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)