Lệnh trừng phạt được ban hành với Kun Kim, cựu tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF), do ông này bị cáo buộc có liên quan đến một dự án bất động sản ở tỉnh Koh Kong và hưởng lợi tài chính từ quan hệ với một công ty quốc doanh Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ hôm nay cho biết trong một thông báo.
"Kim sử dụng các binh sĩ RCAF để đe dọa, giải phóng mặt bằng ở dự án do công ty quốc doanh Trung Quốc phát triển. Kun Kim bị bãi chức tổng tham mưu trưởng vì ông ta không chia sẻ lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp với vài quan chức cấp cao trong chính quyền", thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
Ba thành viên trong gia đình Kim và 5 công ty, tổ chức do những người này sở hữu hoặc kiểm soát cũng bị trừng phạt, cơ quan này cho biết.
Ngoài Kim, tài phiệt người Campuchia Try Pheap cũng bị Mỹ trừng phạt do thông đồng với một số quan chức xây dựng liên doanh khai thác gỗ trái phép quy mô lớn. 11 thực thể đăng ký kinh doanh tại Campuchia của Try Pheap cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Kun Kim, người đang giữ chức phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quản lý Thảm họa Quốc gia Campuchia, và doanh nhân Try Pheap hiện chưa đưa ra bình luận về lệnh trừng phạt. Người phát ngôn đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen và thượng nghị sĩ Sok Eysan tuyên bố lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ không có hiệu lực và chỉ nhằm để hỗ trợ phe đối lập.
"Họ không có tài sản ở nước ngoài và họ thật ngu ngốc nếu gửi tài sản ra nước ngoài, nếu có hãy đóng băng khối tài sản ấy", Sok Eysan nói.
"Lệnh trừng phạt chỉ nhằm hỗ trợ những kẻ tay sai, không có hiệu lực", ông nói, ám chỉ đến đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP). CNRP đã giải thể năm 2017 do bị cáo buộc thông đồng với nước ngoài để lật đổ chính phủ.
Mỹ kêu gọi Campuchia thả lãnh đạo đối lập Kem Sokha. Phnom Penh hồi tháng 11 bỏ lệnh quản thúc tại gia đối với Kem Sokha, sau hơn hai năm truy tố ông này tội phản quốc. Tuy nhiên, tòa án Phnom Penh hôm 9/12 thông báo sẽ mở lại phiên tòa xử vụ án của Kem Sokha vào tháng 1/2020, sau khi tuyên bố đã tìm đủ chứng cứ.
Washington cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin Bắc Kinh và Phnom Penh hồi đầu năm bí mật ký một thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin này, khẳng định hiến pháp Campuchia không cho phép nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ.
Nhật Duy (Theo Reuters)