Theo cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Tín dụng Daedong (DCB) đã cung cấp các dịch vụ tài chính cho Tập đoàn Thương mại và Phát triển khai mỏ Triều Tiên (KOMID). Công ty này bị phía Mỹ cho là trung tâm mua bán vũ khí cao cấp cho Bình Nhưỡng.
Bộ Tài chính cho biết: "Kể từ năm 2007, DCB đã hỗ trợ hàng trăm giao dịch trị giá hàng triệu USD cho KOMID. Trong một số trường hợp, họ còn áp dụng các nghiệp vụ tài chính có tính chất lừa đảo". Cơ quan của Chính phủ Mỹ còn trừng phạt một đơn vị trực thuộc ngân hàng này, là Công ty TNHH Tài chính DCB do có liên quan tới Tổng Cục Năng lượng Nguyên tử Triều Tiên.
Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, công ty trên đã thực hiện rất nhiều giao dịch tài chính quốc tế để qua mặt các tổ chức không muốn làm ăn với Triều Tiên. Theo lệnh trừng phạt, công dân Mỹ không được giao dịch với các tổ chức nêu trên, đồng thời đóng băng toàn bộ tài sản của họ (nếu có) tại Mỹ.
Đây là lệnh trừng phạt mới nhất sau quyết định hồi tháng 3 của Mỹ, nhắm vào Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên (FTB), để cắt mọi khoản tiền cung cấp cho Bình Nhưỡng. FTB là tổ chức giao dịch ngoại tệ chính của nước này.
Các ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn lương lự khi giao dịch với FTB vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, ngân hàng ngoại hối lớn nhất Trung Quốc – Bank of China, lại đóng hẳn tài khoản của FTB tại đây.
Quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ - David Cohen cho biết ông hy vọng các ngân hàng ngoài Mỹ tiếp tục hạn chế hoặc chấm dứt giao dịch với các nhà băng bị trừng phạt. Ông giải thích: "Làm ăn với các ngân hàng như DCB sẽ khiến các tổ chức này gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là về danh tiếng".
Hồi tháng 5, Liên hợp quốc cho biết các lệnh trừng phạt tài chính tăng cường, cấm vận vũ khí và các hạn chế thương mại quốc tế khác đã giảm tốc đáng kể chương trình mở rộng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ các ảnh hưởng cụ thể do lệnh trừng phạt hồi tháng 3 của Mỹ.
Thùy Linh (theo Reuters)