Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress quá trình tư pháp tại Mỹ trong việc xử lý thực phẩm bẩn.
Ngày trước, khi còn thực tập tại Sở Nông nghiệp và Đo lường tại một thành phố của Mỹ, tôi đã tham gia các vụ xử án ở mức độ hành chính cho các vi phạm trong nông nghiệp, mà cụ thể là việc dùng thuốc trừ sâu không đúng luật.
Một vụ nổi cộm, các thanh tra của sở đi mua hàng dưới dạng dân thường rồi đem về cho các chuyên gia của sở phân tích. Họ phát hiện rằng một mẫu "táo dại Mexico" có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép. Sở truy ngay ra là món táo ấy tới từ đâu.
Mặc dù là đã gần ngày lễ Giáng sinh, nhưng Sở vẫn ngay lập tức đem quân đi tịch thu toàn bộ mặt hàng táo Mexico do cùng một nông dân bán ra. Chưa hết, sở lại tới tận kho hàng của nông dân ấy và tịch thu toàn bộ số hàng còn nằm trong kho. Cụ thể là, một cái kho lạnh lớn bằng mấy căn nhà chất đầy táo bị tịch thu, sở phải đem mấy chiếc xe tải tới để chở đi.
Táo thì tất nhiên là bị tiêu hủy. Người nông dân thì khóc hết nước măt, điều này nằm trong báo cáo của các thanh tra chứ không phải đùa. Chưa hết, người đưa ra đơn thuốc trừ sâu, tức là nhân viên bảo vệ thực vật và người phun thuốc trừ sâu, một công ty nhỏ chuyên lái trực thăng đi phun... đều bị khởi tố các tội hành chính liên quan tới việc dùng thuốc trừ sâu sai quy định.
(Xem thêm: 'Bí thư Thăng quy trách nhiệm thực phẩm bẩn cho Sở Y tế' nóng trên mạng XH )
Lượng thuốc trên các quả táo ấy chỉ vượt ngưỡng một chút thôi, nhưng đã khiến biết bao nhiêu người liên quan đau khổ. Luật Mỹ vẫn làm như thế, không có ai được thông cảm gì cả. Nhưng họ chỉ đạt đến ngày nay bởi vì họ đã và đang mạnh tay xử lý các vi phạm.
Độ nóng của thực phẩm "bẩn" không nói thì ai cũng biết rõ. Trong khi dư luận lên án, nhà nước ra luật, người dân nói không với thực phẩm bẩn... thì cái vòng đổ lỗi vẫn chạy đều đều. Mà trong đó, dường như người Việt Nam ai cũng góp phần thúc đẩy nó.
Trước hết phải kể đến những người trực tiếp làm ra thực phẩm bẩn. Đó là những người nông dân chân lấm tay bùn, họ dùng nhiều thuốc trừ sâu, đổ kháng sinh vào đầm tôm, trộn chất cấm vào thức ăn cho lợn, bơm hóa chất cho rau lớn nhanh và tưới dầu nhớt lên ruộng rau muống.
Thế nhưng, khi xã hội lên án thì luận điểm "nông dân thiếu hiểu biết", "nghèo nên mới vậy" luôn là lý do duy nhất để chống chế. Nông dân lại bảo rằng, thương lái bắt chúng tôi làm thế, không làm thì chẳng ai mua.
(Xem thêm: Cận cảnh công nghệ sản xuất táo "không thể độc hại hơn" ở Hưng Yên)
Thương lái là những người chỉ đi buôn nước bọt, đâu làm ra sản phẩm, nên người tiêu dùng có chỗ trút giận. Nhưng thương lái lại đổ lỗi cho người tiêu dùng: "Ai bảo các bác đòi thịt nạc, rau tươi mơn mởn?".
Còn người chế biến và buôn bán thực phẩm thì sao? Các quán cà phê và trà đá vỉa hè không đảm bảo vệ sinh vẫn mọc đầy. Ngày xưa thì phở, mì, hủ tiếu ướp formol. Ngày nay thì ruốc nhuộm màu, cá ướp urê, chuối ngâm hóa chất một ngày là vàng ươm, cùng nhiều thứ kinh dị khác mà nhiều người chưa biết.
Nhưng có ai đi xử lý các điểm bán nhỏ lẻ ấy không? Một chủ quán cà phê bị khởi tố vì kinh doanh không có giấy phép an toàn thực phẩm đã khiến dư luận dậy sóng. Nào là làm thế thật quá đáng, nào là bị xử phạt hành chính rồi sao lại khởi tố, nào là sao không ai xử phạt các quán cóc vỉa hè...
Cơn bão dư luận ấy đúng hay sai phải dựa vào luật pháp, nhưng tôi tìm mãi mà chẳng thấy có ai chịu trích dẫn điều luật nào.
Có lẽ người tiêu dùng mãi say sưa với ý nghĩ rằng chủ quán cà phê này bị "đì" vì dám cạnh tranh với căn tin phòng công an đối diện. Chuyện này có đúng hay không, ít ai có thể biết chính xác.
Điều duy nhất mà ta có thể biết được, là công an đi dẹp hàng rong vỉa hè thì đã lấy mất đường sống của dân nghèo, nhưng để mặc cho họ buôn bán thì thể không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, không dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè...
(Xem thêm: Sự thật rùng mình đằng sau những bát bún chả cá thơm lừng - Bạn có còn dám ăn?)
Trong cơn bão dư luận, nhà nước cũng làm ra nhiều điều luật mới nhằm xử phạt các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các điều luật mới có nhiều cải tiến hơn xưa, điều quan trọng là thực hành như thế nào? Các anh công an có chịu ra quân bắt phạt thường xuyên hay không?
Đồng thời, khi bắt được những tiểu thương, người nông dân, những người nghèo bám vỉa hè kiếm sống kiêm luôn cả đầu độc cộng đồng, và khởi tố những người ấy, liệu dư luận có ủng hộ công an hay không? Hay là lại làm rầm lên.
Việc khởi tố các vi phạm liên quan tới an toàn thực phẩm là điều không xa lạ gì ở Mỹ. Các sai phạm thì tùy mức độ nặng nhẹ để truy tố. Tội nào phải truy tố, tội nào phạt tiền, tội nào chỉ phải ra tòa hành chính đều do luật quyết định. Trong đó, không ai có thể nói là vì nghèo, vì thiếu hiểu biết mà vi phạm cả. Bởi vì dù có thiếu hiểu biết tới cách nào, thì việc dùng chất độc trong thực phẩm vẫn gây ra hậu quả cho người tiêu dùng như nhau.
Con đường đạt đến an toàn thực phẩm hãy còn dài. Nhưng từ giờ đến lúc ấy sẽ còn rất nhiều khổ đau. Việt Nam là nước nông nghiệp, vì vậy nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ - tức các nông dân và tiểu thương - sẽ phải bị phạt, mà là phạt nặng.
Còn người tiêu dùng thì phải quen với viễn cảnh bún không trắng, rau không tươi, thịt ít nạc, còn táo sẽ héo rất nhanh... Quan trọng nhất là khi có người buôn bán nhỏ bị khởi tố hình sự vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ mong người tiêu dùng đừng lên tiếng bênh vực.
>> Xem thêm: Nên phạt tù chủ cơ sở chế biến thực phẩm bằng hóa chất độc hại?
Khanh
Tự làm giá đỗ mà không tốn sức, khỏi sợ bị ngâm hóa chất độc hại
Nên vào siêu thị mua đậu xanh vì đậu ở đây to hơn ngoài chợ, cho giá khỏe và mập hơn. |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.