Tập đoàn Nilco và công ty cổ phần Elecon của Nga, cùng hai công ty Trung Quốc Chengdu Best New Materials và Zibo Elim Trade, bị cáo buộc "chuyển giao công nghệ và thiết bị nhạy cảm cho chương trình tên lửa Iran" và sẽ bị Mỹ áp đặt cấm vận xuất khẩu trong vòng hai năm từ ngày 25/11, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong thông cáo hôm qua.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn cản nỗ lực phát triển tên lửa của Iran, đồng thời dùng quyền cấm vận để chỉ ra những doanh nghiệp nước ngoài, như các công ty Nga và Trung Quốc được nêu tên, đang cung cấp công nghệ và vật liệu tên lửa cho Iran", thông cáo có đoạn viết.
Tổng thống Donald Trump hồi năm 2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với các cường quốc trước đó ba năm, đồng thời áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận trong chiến dịch "gây áp lực tối đa". Washington cũng thể hiện quyết tâm trừng phạt mọi doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp cấm vận được nước này đưa ra.
Iran tập trung phát triển nhiều loại tên lửa tiến công nhằm bù đắp thiếu hụt về không quân so với Mỹ và đồng minh. Đây được coi là thành phần không thể thay thế trong chiến lược quốc phòng của Tehran, giúp lấp khoảng trống của tiêm kích và oanh tạc cơ chiến lược. Những khoản đầu tư khổng lồ vào chương trình tên lửa giúp Iran duy trì khả năng răn đe, buộc Mỹ và đồng minh trả giá đắt nếu nổ ra chiến tranh ở Trung Đông.
Tehran đang sở hữu những tên lửa đạn đạo với tầm bắn trên 2.000 km, cùng tên lửa hành trình Soumar có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 2.500 km, trong đó nhiều mẫu dường như được phát triển từ tên lửa hành trình thời Liên Xô.
Nước này từng nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo tiêu diệt mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria năm 2017 và 2018, cũng như tiến hành đợt tấn công chính xác bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào căn cứ Mỹ ở Iraq ngày 8/1 để đáp trả vụ hạ sát tướng Soleimani.
Vũ Anh (Theo Reuters)