"Cộng đồng tình báo đánh giá với mức độ tin tưởng cao rằng các sĩ quan thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny vào ngày 20/8/2020", một quan chức cấp cao Mỹ trả lời báo chí hôm nay, khi thông báo về lệnh trừng phạt với các quan chức Nga.
Các quan chức cấp cao chính phủ Nga bị trừng phạt lần này sẽ bị đóng băng tài sản tại Mỹ, nhưng thông tin chi tiết về lệnh trừng phạt dự kiến được công bố sau. Ngoài ra, 14 thực thể liên quan đến hoạt động sản xuất chất độc hóa sinh của Nga, gồm 13 cơ sở thương mại và một viện nghiên cứu chính phủ, cũng đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Động thái này diễn ra ngay sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua những biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức thực thi pháp luật và tư pháp cấp cao Nga, liên quan đến việc bắt giam Navalny.
Những người nằm trong danh sách trừng phạt sẽ bị hạn chế di chuyển đến EU hoặc Mỹ. Bất kỳ tài sản nào của họ ở phương Tây cũng sẽ bị đóng băng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden còn dự kiến hạn chế những mặt hàng xuất khẩu nhất định đến Nga, đồng thời tuyên bố cứng rắn với Moskva hơn cựu tổng thống Donald Trump.
"Chúng tôi sẽ thực hiện những hành động thích hợp, bởi cho rằng cần làm thật rõ ràng rằng chúng tôi không chấp nhận cách cư xử trước đây. Chúng tôi sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời phỏng vấn hôm nay.
Trước đó, Điện Kremlin đã lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây. "Những người tiếp tục phụ thuộc vào các biện pháp này có lẽ nên suy nghĩ, rằng liệu họ có đạt được mục tiêu bằng việc tiếp tục chính sách như vậy hay không", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, nói thêm rằng câu trả lời "rõ ràng" là không.
Navalny, lãnh đạo đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập, hồi tháng 8/2020 bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva, sau đó được đưa tới Berlin, Đức, để điều trị. Các nước phương Tây cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny bằng chất độc Novichok thời Liên Xô, tương tự tuyên bố của nhà hoạt động này, nhưng Moskva nhiều lần bác bỏ.
Ngay sau khi từ Đức trở về Nga hôm 17/1, Navalny bị bắt với cáo buộc vi phạm quy định về án treo. Tòa án ở Moskva sau đó ra lệnh chuyển bản án treo 3,5 năm mà Navalny lĩnh vào năm 2014 thành án tù giam. Nhà hoạt động 44 tuổi còn có nguy cơ đối mặt với rắc rối liên quan đến ba vụ án hình sự khác.
Ánh Ngọc (Theo AFP)