Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/2 thông báo họ đang áp lệnh trừng phạt với 5 quan chức "liên quan mật thiết tới Nicolas Maduro, tổng thống bất hợp pháp đang tiếp tục đàn áp dân chủ và người hoạt động dân chủ ở Venezuela", AFP đưa tin.
Trong số các quan chức an ninh và tình báo Venezuela bị Mỹ cấm vận này có Ivan Rafael Hernandez, tư lệnh đội cận vệ của Maduro kiêm giám đốc cơ quan phản gián Venezuela. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Rafael "chịu trách nhiệm với các hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đàn áp xã hội dân sự và phe đối lập dân chủ".
Manuel Ricardo Cristopher, người đứng đầu cơ quan tình báo của Venezuela, cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt. Mỹ cho biết quan chức này đã giám sát "việc tra tấn, vi phạm nhân quyền và đàn áp hàng loạt" nhắm tới phe đối lập Venezuela. Hai quan chức còn lại bị cấm vận là chỉ huy một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm và ủy viên thứ nhất của cơ quan tình báo.
Lệnh trừng phạt còn nhắm vào Manuel Quevedo, người bị Bộ Tài chính Mỹ mô tả là "chủ tịch bất hợp pháp của tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA".
Lệnh này cho phép Bộ Tài chính Mỹ đóng băng toàn bộ tài sản mà Mỹ đang kiểm soát đối với 5 quan chức, cũng như ngăn cản bất cứ công dân nào của mình làm ăn với họ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh lệnh trừng phạt "không bất biến" mà nhằm mang lại "sự thay đổi tích cực về hành vi".
Mỹ tháng trước tuyên bố công nhận Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido là "tổng thống lâm thời" của nước này, đồng thời đưa ra nhiều động thái ủng hộ thủ lĩnh đối lập như cấp quyền kiểm soát một số tài sản tại Mỹ của chính phủ Venezuela cho ông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đổ lỗi cho Tổng thống Nicolas Maduro vì sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela. Tuy nhiên, Maduro nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Washington là nguyên nhân gây ra khủng hoảng và họ có thể dùng viện trợ để biện minh cho sự can thiệp nội bộ. Tổng thống Venezuela nhận được sự ủng hộ của quân đội và một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ.