Bộ Tài chính Mỹ hôm nay cho biết lệnh trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức này được đưa ra khi Nga chuyển hoạt động sản xuất công nghệ, thiết bị và các vật tư cần thiết cho quân đội ra nước ngoài.
Cơ quan này cáo buộc các cá nhân, công ty ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chuyển cho Nga hàng hóa lưỡng dụng, trong đó có các linh kiện được Moskva sử dụng để chế tạo vũ khí.
"Nga phụ thuộc vào các cá nhân, tổ chức ở nước thứ ba để tái trang bị cho quân đội và duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi sẽ không ngần ngại buộc những thực thể này phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay.
Một trong số những cá nhân bị trừng phạt là Berk Turken, công dân Thổ Nhĩ Kỳ, vì vai trò trong mạng lưới mua sắm có liên quan tới các cơ quan tình báo Nga, theo Bộ Tài chính Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào cơ sở công nghiệp nội địa của Nga, cáo buộc Moskva đã tái định hướng ngành này để "đảm bảo cỗ máy chiến tranh có thể tự duy trì". 7 ngân hàng có trụ sở tại Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Ngoài Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xem xét ban hành gần 100 lệnh trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực như năng lượng, khai thác mỏ, mua sắm quốc phòng.
Những cá nhân, tổ chức bị Mỹ áp lệnh trừng phạt đều bị phong tỏa tài sản, lợi ích liên quan ở nước này, các giao dịch liên quan tới người có tên trong danh sách trừng phạt cũng bị hạn chế.
Trong tuyên bố riêng được công bố hôm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa vào danh sách đen 12 thực thể ở Nga và một ở Uzbekistan bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga mua sắm, phát triển và phổ biến máy bay không người lái.
Sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm gây thiệt hại cho kinh tế Nga và bóp nghẹt nguồn lực phục vụ chiến dịch của nước này, như hạn chế xuất khẩu, cấm vận dầu, áp trần giá dầu. Mỹ cũng liệt nhiều cá nhân, thực thể nước ngoài liên quan tới Nga vào danh sách trừng phạt kể từ đó.
Thanh Tâm (Theo AFP)