Nhà Trắng hôm 16/11 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2024 ở Peru, nhất trí rằng quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân "phải nằm trong tay con người", chứ không phải trí tuệ nhân tạo (AI).
"Hai lãnh đạo nhấn mạnh phải cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn, cũng như phát triển AI trong lĩnh vực quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm", thông cáo của Nhà Trắng có đoạn.
Bản tóm tắt nội dung cuộc gặp của chính phủ Trung Quốc cũng nhắc lại quan điểm này.
Chưa rõ tuyên bố này có dẫn đến những cuộc thảo luận hoặc hành động tiếp theo hay không. Tuy nhiên, nó vẫn đánh dấu động thái đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc trong đối thoại về vũ khí hạt nhân và AI, những vấn đề mà hai bên chưa có tiến triển.
Washington suốt nhiều tháng qua thúc giục Bắc Kinh từ bỏ lập trường không tham gia đàm phán về vũ khí hạt nhân. Hai bên nối lại trao đổi chính thức từ tháng này nhưng đang gặp bế tắc, trong đó một quan chức hàng đầu của Mỹ công khai bày tỏ thất vọng về cách Trung Quốc phản hồi.
Mỹ và Trung Quốc lần đầu đàm phán chính thức về vấn đề AI hồi tháng 5 tại Thụy Sĩ, nhưng dường như không đề cập đến quá trình quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lầu Năm Góc năm ngoái ước tính Bắc Kinh đang biên chế khoảng 500 đầu đạn hạt nhân và có thể triển khai hơn 1.000 đầu đạn trước năm 2030. Mỹ và Nga đang sở hữu lần lượt 1.770 và 1.710 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chưa kể đến hàng nghìn vũ khí nguyên tử được niêm cất.
Bắc Kinh áp dụng học thuyết "răn đe tối thiểu", nghĩa là chỉ duy trì số đầu đạn ít nhất để đảm bảo khả năng đáp trả một cuộc tấn công, và cũng là cường quốc hạt nhân duy nhất thực thi chính sách "không khai hỏa trước" với vũ khí hạt nhân.
Chính quyền ông Biden năm nay cập nhật kế hoạch chiến lược hạt nhân mới, định hướng lại mục tiêu răn đe của Mỹ. Nhà Trắng trước đó cho biết cập nhật này "không nhằm vào thực thể, quốc gia hay mối đe dọa cụ thể nào", bác bỏ lo ngại từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)