![]() |
Một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh: AP |
Chuyến đi của ông Gates tới Trung Quốc kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ ngày mai. Đây là lần đầu tiên ông trở lại Bắc Kinh kể từ năm 2007 và sự kiện này sẽ đánh dấu việc Mỹ và Trung Quốc chính thức khôi phục trao đổi quân sự, vốn bị Bắc Kinh đơn phương cắt đứt một năm trước, nhằm phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Trong khi đó, một năm qua Trung Quốc đã gia tăng sức mạnh quân sự đáng kể, mới nhất là sự xuất hiện của hai loại vũ khí chưa từng có là tên lửa diệt tàu sân bay và máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình bí ẩn J-20. Bắc Kinh cũng nhiều lần khẳng định họ không phải là mối đe doạ đối với bất cứ ai và quân đội nước này chỉ thuần tuý có mục đích quốc phòng.
Việc những hình ảnh về chiếc máy bay tàng hình J-20 đang được thử nghiệm xuất hiện rộng rãi trong những ngày qua được coi là câu trả lời của Trung Quốc đối với lời kêu gọi minh bạch hơn về quân sự của Mỹ. Hiện chưa có bình luận chính thức nào về loại vũ khí tối tân này, nhưng giới phân tích đều nhận định đó là hành động có tính toán của Trung Quốc.
AP dẫn lời Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defense và là một chuyên gia về quân đội Trung Quốc nhận định: "Đây chắc chắn là động thái có liên quan đến chuyến thăm của ông Robert Gates. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn nói rằng các ông muốn chúng tôi minh bạch hơn à? Vậy chúng tôi sẽ cho các ông thấy".
Trên thực tế, liên lạc về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã được âm thầm nối lại từ tháng 10 năm ngoái. Nhưng lời mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới thăm là tín hiệu rõ ràng nhất của Bắc Kinh về cách tiếp cận hoà giải hơn của họ. Cuối tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng sẽ tới thăm Washington.
Trong bài trả lời phỏng vấn ngay trước chuyến đi Bắc Kinh, ông Robert Gates cũng cho rằng Mỹ cần thận trọng trước sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc, nhưng theo ông "không có lý do gì để coi Trung Quốc là kẻ thù".
Đình Nguyễn