"Xung đột ở Biển Đông, hay bất kỳ vùng biển nào, cũng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về an ninh và thương mại trên toàn cầu. Khi một quốc gia phớt lờ luật lệ mà không chịu hậu quả nào, họ sẽ gây ra bất ổn và thúc đẩy tình trạng coi thường trật tự ở mọi nơi", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an ninh hàng hải hôm 9/8.
Blinken cho biết các nước đã chứng kiến những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu trên biển, cũng như hành động khiêu khích nhằm thực thi những yêu sách chủ quyền phi pháp. "Mỹ lo ngại về những hành động nhằm uy hiếp, đe dọa nhằm ngăn các nước tiếp cận nguồn lợi biển hợp pháp của họ", ông nói thêm.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Dai Bing lên tiếng đáp trả, cáo buộc Mỹ đang kiếm cớ gây rối. "Họ tùy tiện điều tàu chiến và máy bay hiện đại đến Biển Đông để gây hân, cũng như công khai tìm cách chia rẽ các nước trong khu vực. Quốc gia này chính là hiểm họa lớn nhất với hòa bình và ổn định ở Biển Đông", ông cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ sau đó cho rằng mọi quốc gia có trách nhiệm bảo vệ luật lệ được các nước công nhận để giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Bắc Kinh những năm qua liên tục tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách bồi đắp, quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo tại khu vực.
Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp khi hơn 200 tàu Trung Quốc từ ngày 7/3 neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Các tàu Trung Quốc sau đó tỏa đi những khu vực khác trong quần đảo Trường Sa rồi rút về.
Mỹ gần đây cũng tăng cường triển khai trinh sát cơ và máy bay tuần thám săn ngầm thực hiện các hoạt động trinh sát gần Trung Quốc, khi nước này có những hành động quân sự ngày càng quyết liệt ở Biển Đông và gần đảo Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 27/7 cũng nhắc lại lập trường của Washington là yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông không có cơ sở luật pháp quốc tế, "gây tổn hại chủ quyền của những nước khác trong khu vực".
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp có trách nhiệm trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Vũ Anh (Theo Reuters)