Sau khi quân đội Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc ngày 4/2 ngoài khơi Nam Carolina, tranh luận đã nổ ra gay gắt quanh cách thức Tổng thống Biden xử lý vấn đề, cũng như ảnh hưởng của sự việc tới quan hệ Mỹ - Trung.
"Như thường lệ, trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và quốc phòng, chính quyền Biden lúc đầu luôn phản ứng thiếu quyết đoán và sau đó là quá muộn", lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell viết trên Twitter ngày 5/2. "Chúng ta không nên để Trung Quốc chế giễu ta ngay trên không phận của mình".
Marco Rubio, phó chủ tịch ủy ban tình báo Thượng viện, nói trên CNN rằng việc Tổng thống Biden chậm trễ cảnh báo công chúng về hiện diện của khí cầu Trung Quốc là hành vi "lơ là bổn phận".
Ông cho rằng Trung Quốc cố tình điều khí cầu bay trên không phận Mỹ nhằm làm bẽ mặt Tổng thống Biden, ngay trước khi ông có bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 7/2. Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken cũng bị hủy vì sự việc này.
"Việc Tổng thống quyết định bắn hạ nó trên Đại Tây Dương giống như ngăn chặn tiền vệ khi trận đấu đã kết thúc", Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Turner, chủ tịch ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, bình luận, gợi liên tưởng tới môn bóng bầu dục. "Vệ tinh đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Lẽ ra nó không bao giờ được phép đi vào nước Mỹ".
Nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho rằng Mỹ "nên bắn hạ khí cầu trên quần đảo Aleutian", nơi nó lần đầu đi vào không phận Mỹ qua Alaska hôm 28/1. "Chúng ta không bao giờ nên cho phép nó đi qua toàn bộ lục địa Mỹ".
Phe Dân chủ nhanh chóng đáp trả, gọi những chỉ trích từ đảng Cộng hòa là "thiếu chín chắn và mang động cơ chính trị".
Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, khẳng định chính quyền đã "ra một quyết định đúng đắn".
"Chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng điều này là không thể chấp nhận", ông nói. "Chúng ta đã bảo vệ được người dân. Chúng ta đã thu về nhiều thông tin tình báo hơn trong khi vẫn bảo vệ được thông tin nhạy cảm của chính mình".
Việc bắn hạ khinh khí cầu "không chỉ là lựa chọn an toàn nhất mà còn là lựa chọn tối đa hóa lợi ích thông tin tình báo của chúng ta", ông nhấn mạnh.
Chiến đấu cơ F-22 xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia đã hạ chiếc khí cầu Trung Quốc vào chiều 4/2. Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ hơn 11 km trên vùng biển tương đối nông, giúp dễ dàng thu gom các mảnh vỡ trong những ngày tới.
Khí cầu được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1 trước khi di chuyển sang không phận Canada vào ngày 30/1. Sau đó, nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1. Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2.
Tổng thống Biden ra lệnh bắn hạ khí cầu vào ngày 1/2, nhưng Lầu Năm Góc khuyến nghị nên đợi đến khi có thể thực hiện việc đó trên mặt nước, nhằm đảm bảo dân thường không gặp nguy hiểm vì các mảnh vỡ rơi xuống mặt đất.
Sự việc làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi quyết định bắn hạ khí cầu là "hành động có chủ ý và hợp pháp" nhằm đáp trả "vi phạm không thể chấp nhận" của Trung Quốc với chủ quyền Mỹ.
Bộ trưởng Austin nói rằng khí cầu được Trung Quốc sử dụng "để cố gắng do thám các địa điểm chiến lược ở Mỹ". Trong khi đó, Bắc Kinh giải thích đây là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng đã bay lạc trong tình huống "bất khả kháng". Bắc Kinh cáo buộc chính trị gia, truyền thông Mỹ "lợi dụng vụ khí cầu bay lạc để làm mất uy tín" Trung Quốc.
Đô đốc Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho hay ông hy vọng các mảnh vỡ khinh khí cầu sẽ được thu hồi sớm. Theo ông, khí cầu có thể điều khiển được và ông bác bỏ lời giải thích từ Trung Quốc rằng nó dường như đã đi chệch hướng.
"Nó có cánh quạt trên đó", ông nói. "Đây không phải sự cố. Đây là hành vi cố ý".
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Schumer cho biết thêm rằng khi khí cầu bị phát hiện, "Trung Quốc đã cố gắng điều khiển nó rời khỏi Mỹ ngay lập tức".
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rubio nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã truyền đi một thông điệp đáng ngại, rằng "chúng tôi có khả năng làm điều này và Mỹ không thể đối phó được".
"Nếu họ không thể ngăn một quả khí cầu bay qua không phận Mỹ, làm sao Mỹ có thể giúp đỡ các đồng minh?", ông nói thêm.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)