Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ hôm 16/12 thông báo không đáp ứng hạn chót trình báo cáo nỗ lực phá hoại bầu cử Mỹ của thế lực nước ngoài lên quốc hội, bởi tranh cãi về vai trò của Trung Quốc.
Theo các nguồn tạo tin, Ratcliffe hôm 15/12 từ chối ký tên vào báo cáo trừ phi nó phản ánh đầy đủ hơn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia do Trung Quốc gây ra. Báo cáo không đề cập tới những nỗ lực phá hoại bầu cử trong nước.
Ratcliffe và những người khác do Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Ngoại trưởng Michael Pompeo và Bộ trưởng Tư pháp William Barr, hồi mùa hè đã cho rằng Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ đe dọa bầu cử lớn hơn Nga, dù các đánh giá tình báo thời điểm đó không ủng hộ quan điểm này.
Trong những tháng gần đây, họ nhiều lần cảnh báo Trung Quốc đang âm thầm gây ảnh hưởng lên chính trị và văn hóa Mỹ, từ các cơ quan lập pháp tiểu bang, phim ảnh Hollywood, các trường đại học tới công viên giải trí Disney.
Trước bầu cử, các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga đang tìm cách can thiệp vào cuộc bỏ phiếu năm nay, lặp lại cáo buộc năm 2016 rằng Nga tìm cách làm suy yếu hình ảnh của Hillary Clinton và giúp Trump đắc cử. Các quan chức thời điểm đó cũng cho rằng Iran và Trung Quốc đang cố can thiệp, còn người ủng hộ Trump cho rằng các quốc gia này muốn hại ông hơn là giúp ông.
Hồi tháng 9, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray tập trung vào Nga trong phiên điều trần trước ủy ban Hạ viện, cho hay Nga đang tìm cách làm tổn hại chiến dịch tranh cử của Joe Biden thông qua các hoạt động truyền thông xã hội và tuyên truyền. Dù Wray khẳng định Trung Quốc cũng cố can thiệp, chủ yếu bằng cách truyền bá thông tin sai, Trump đã chỉ trích Wray rằng "Trung Quốc còn lâu mới là mối đe dọa lớn hơn Nga".
Những lo ngại của Ratcliffe được thúc đẩy bởi các thông tin tình báo mới cung cấp bức tranh đầy đủ hơn về những gì Trung Quốc đã hoặc định làm để ngăn Trump tái đắc cử, theo các nguồn tin.
Những thông tin này, một số bằng tiếng Hán phổ thông, được thu thập nhiều tuần trước và sau bầu cử, vẫn đang được đánh giá. Nó bao gồm các chiến dịch truyền thông xã hội như nỗ lực khuyếch trương thông điệp rằng Trump là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Trung Quốc từng bác bỏ cáo buộc của chính quyền Trump. Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington không trả lời yêu cầu bình luận trước thông tin trên. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cũng từ chối bình luận.
Tranh cãi về vai trò của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang cố đánh giá thiệt hại từ cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ được cáo buộc do Nga gây ra. Một số nhà phân tích cho rằng thông tin tình báo mới sẽ chứng tỏ nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng lên bầu cử Mỹ của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với báo cáo của các cơ quan tình báo năm ngoái.
Tuy nhiên, một số người khác lại cho rằng Trung Quốc không hề lên kế hoạch hay cố ý can thiệp bầu cử Mỹ.
Báo cáo đánh giá nỗ lực can thiệp bầu cử của nước ngoài sẽ được gửi tới quốc hội 45 ngày sau Ngày bầu cử, và một báo cáo khác không phải tài liệu mật sẽ được công bố vài tuần sau đó. Báo cáo này sẽ tóm tắt thông tin mà các cơ quan tình báo thu thập được, bao gồm thông tin của FBI và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Trước khi nhậm chức Giám đốc Tình báo Quốc gia hồi tháng 5, Ratcliffe là nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Texas, nổi lên trong vai trò là một trong những người bảo vệ Trump quyết liệt nhất trong cuộc điều tra luận tội tổng thống năm ngoái.
Là một cựu công tố viên liên bang, chưa từng có kinh nghiệm tình báo, Ratcliffee ban đầu được lựa chọn để thay thế cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats năm ngoái. Nhưng ông đã rút lui sau khi bị nhiều người phản đối vì thiếu kinh nghiệm.
Căng thẳng về báo cáo tình báo trong tuần này đã phản ánh cuộc chiến diễn ra trước bầu cử về việc bên nào phải chịu trách nhiệm lớn hơn trước những nỗ lực can thiệp vào các thể chế dân chủ của Mỹ. Hồi tháng 9, O'Brien khẳng định Trung Quốc, không phải Nga, "có kế hoạch lớn nhất nhằm gây ảnh hưởng tới chính trị Mỹ".
Hồng Hạnh (Theo Bloomberg)