"Tôi có thể xác nhận Nga đang phát triển năng lực chống vệ tinh. Năng lực này chưa được triển khai", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 15/2 cho biết. "Dù Nga theo đuổi năng lực cụ thể này là việc đáng lo ngại, điều này chưa gây ra mối đe dọa tức thời đối với an toàn của mọi người".
Trước đó một ngày, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner thông báo đã chuyển thông tin về "mối đe dọa an ninh nghiêm trọng" đến mọi thành viên quốc hội, song không tiết lộ cụ thể. Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin cho biết vấn đề được đề cập liên quan đến "nỗ lực của Nga nhằm phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian".
Ông Kirby xác nhận vũ khí diệt vệ tinh mà Nga đang phát triển có thể được triển khai trên không gian, song không cho biết nó có phải là vũ khí hạt nhân như truyền thông Mỹ đưa tin hay không.
Tuy nhiên, ông cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 mà Moskva và Washington là thành viên, trong đó cấm triển khai "vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác" lên không gian.
Theo ông Kirby, vũ khí của Nga có thể gây nguy hiểm cho các phi hành gia ở quỹ đạo thấp, cũng như làm gián đoạn hoạt động của các vệ tinh quân sự và dân sự quan trọng. Sau khi được thông báo, Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo các quan chức dưới quyền liên hệ với Nga về vấn đề này, song Moksva chưa đưa ra phản hồi.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó bác thông tin của truyền thông Mỹ về việc Nga muốn triển khai vũ khí hạt nhân lên không gian, cho rằng đây là "âm mưu" của Washington nhằm thuyết phục quốc hội phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho Kiev. "Chúng ta hãy cùng xem Nhà Trắng sẽ sử dụng thêm những chiêu trò gì", ông Peskov nói.
Ông Kirby chỉ trích phát biểu của người phát ngôn Điện Kremlin là "ngớ ngẩn".
Thượng viện Mỹ ngày 13/2 đã thông qua gói viện trợ trị giá hơn 95 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 60 tỷ USD hỗ trợ quân sự và các nhu cầu khác. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa, từ chối đưa dự luật này ra bỏ phiếu, với lý do các điều khoản về an ninh biên giới được bổ sung vào dự luật chưa đủ mạnh.
Kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 2/2022, Nga sử dụng nhiều tổ hợp gây nhiễu để ngăn Ukraine tiếp cận các vệ tinh thương mại phục vụ hoạt động tác chiến. Lực lượng Nga lắp thiết bị gây nhiễu tín hiệu vệ tinh lên xe tăng và thiết giáp, làm gián đoạn tín hiệu điều khiển của thiết bị bay không người lái (UAV) mang chất nổ, can thiệp vào tín hiệu GPS trên đạn dẫn đường và UAV của Ukraine.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định Moskva đang tìm cách cắt kết nối các thiết bị Starlink của Kiev song chưa thành công, do tín hiệu của chúng khó bị gây nhiễu hơn so với các loại kết nối vệ tinh khác.
Phạm Giang (Theo AFP, RT)