Theo thông báo của NPS, họ sẽ phun một hợp chất tiêu diệt cá được cơ quan môi trường liên bang thông qua mang tên rotenone, bắt đầu từ ngày 26/8. Đây là biện pháp mới nhất trong nỗ lực dai dẳng nhằm ngăn chặn cá vược miệng nhỏ và cá thái dương xanh ở bên dưới đập Glen Canyon và bảo vệ loài cá bản xứ đang bị đe dọa là cá bống lưng gù. Biện pháp này đòi hỏi phong tỏa bãi lầy ở sông Colorado trong một tuần. Đây là khu vực rải đá bao quanh chỗ nước đọng ở bờ sông, nơi phát hiện cá vược miệng nhỏ. Nhà chức trách cũng từng sử dụng các hóa chất vào năm ngoái.
Hoạt động trên sẽ được lên kế hoạch và tiến hành cẩn thận để giảm thiểu lượng hóa chất mà con người và những loài cá bản xứ tiếp xúc, NPS cho biết. Một rào chắn bằng vải chống thấm sẽ được dựng lên ở miệng bãi lầy để ngăn nước chảy vào sông. Sau khi hoàn thành công việc, nhà chức trách sẽ phun thêm hóa chất khác để làm loãng rotenone.
Trước đây, cá vược miệng nhỏ bị cô lập ở hồ Powell phía sau đập Glen, đóng vai trò như rào chắn tự nhiên suốt nhiều năm. Nhưng mùa hè năm ngoái, chúng xuất hiện ở khúc sông bên dưới đập. Do biến đổi khí hậu và hạn hán, hồ Powell, hồ chứa nước quan trọng của sông Colorado, hạ tới mức thấp kỷ lục vào năm ngoái và không đủ ngăn cản cá vược miệng nhỏ lan rộng. Loài cá ăn thịt này có thể tiếp cận vùng Grand Canyon, nơi những đàn cá bống lưng gù hiếm còn sinh sống.
Những chuyên gia môi trường lên án chính quyền liên bang không hành động nhanh chóng. Trung tâm đa dạng sinh học trích dữ liệu từ NPS hôm 16/8 cho thấy quần thể cá vược miệng nhỏ đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua. "Tôi lo sự bùng nổ của quần thể cá vược này báo trước một sự kiện tuyệt chủng đáng lẽ có thể tránh được ở Grand Canyon", Taylor McKinnon, giám đốc trung tâm, chia sẻ. "Việc mất đi quần thể cốt lõi của cá bống lưng gù sẽ đẩy cả loài vào nguy hiểm".
Các tổ chức bảo tồn cũng tiếp tục chỉ trích quyết định hạ cá bống lưng gù từ loài nguy cấp thành loài bị đe dọa của chính quyền vào năm 2021. Vào thời điểm đó, nhà chức trách liên bang cho biết cá bống lưng gù đã hồi phục từ bờ vực tuyệt chủng sau nhiều thập kỷ bảo vệ.
An Khang (Theo AP)