Năm 2010, siêu máy tính Trung Quốc lần đầu được công nhận nhanh nhất thế giới, vị trí mà Mỹ luôn nắm giữ các năm trước. Hệ thống đó là Thiên Hà-1A (Tianhe-1A) do Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc phát triển. Kể từ đó, Trung Quốc luôn duy trì vị trí số một, dù Mỹ vẫn sở hữu nhiều cỗ máy nhất trong danh sách Top 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng được công bố tuần này, lần đầu tiên Trung Quốc chiếm tới 202 cỗ máy, tăng từ 159 máy tính so với 6 tháng trước. Ngược lại, số lượng siêu máy tính của Mỹ giảm từ 169 xuống còn 144.
Siêu máy tính hùng mạnh nhất vẫn là Sunway TaihuLight, hoạt động tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Vô Tích (Trung Quốc). Cỗ máy có khả năng thực hiện 93 triệu tỷ phép tính/giây (93 petaflop), nhanh gấp đôi và hiệu quả gấp ba lần máy tính đứng thứ hai là Thiên Hà 2 (33,9 petaflop) cũng của Trung Quốc.
Sunway TaihuLight là hệ thống hoàn toàn "Made in China", thể hiện khả năng và tham vọng lớn của quốc gia này trong lĩnh vực siêu máy tính.
Siêu máy tính Sunway TaihuLight. Video: AsiaToday
Mỹ được kỳ vọng sẽ sớm chiếm lại ngôi đầu bảng bởi IBM đang xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới mang tên Summit với tốc độ "khủng" là 200 petaflop, nhanh gấp đôi Sunway TaihuLight và dự kiến được công bố ngay đầu năm sau.
Thành tích mới của Trung Quốc cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của họ trong lĩnh vực công nghệ những năm qua. Bên cạnh siêu máy tính, họ cũng đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án công nghệ khác như đặt kế hoạch trở thành cường quốc về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030, trở thành thị trường lớn nhất thế giới về ôtô điện hay mong muốn phát triển ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn mạnh nhất toàn cầu, vượt qua Mỹ và Hàn Quốc...
Danh sách Top 500 siêu máy tính, được công bố hai lần mỗi năm, là kết quả đánh giá của các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, Đại học Tennessee (Mỹ) và công ty về điện toán đám mây Prometeus.
Siêu máy tính là những cỗ máy tính vượt trội về khả năng và tốc độ xử lý. Chúng được dùng để phân tích dữ liệu lớn, dự báo thời tiết, nghiên cứu khí động học, thiên văn học, sự biến đổi khí hậu, mô phỏng động đất, mô phỏng trí tuệ nhân tạo, theo dõi sự lây lan của dịch bệnh, mô phỏng các vụ nổ hạt nhân...