
Các bác sĩ thuộc tổ chức MSF chữa trị cho các nạn nhân sau vụ đánh bom của liên quân quốc tế hôm 3/10. Ảnh: AFP
"Chúng tôi hiện biết được rằng vào ngày 3/10, các lực lượng Afghanistan cảnh báo rằng họ đang bị tấn công từ các vị trí của kẻ thù và yêu cầu sự hỗ trợ trên không", chỉ huy hàng đầu của lực lượng Mỹ và liên quân ở Afghanistan, tướng John F. Campbell, cho hay. "Một cuộc không kích sau đó được tiến hành nhằm loại bỏ mối đe dọa từ Taliban và nhiều dân thường vô tình bị trúng bom".
Ông Campbell cũng đính chính thông cáo ban đầu nói rằng cuộc tấn công ở tỉnh Kunduz được thực hiện nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ. Ông từ chối cung cấp thêm chi tiết và cho biết một cuộc điều tra đang diễn ra.
Campbell cho hay lực lượng Mỹ sẽ nhận lỗi nhưng không rõ liệu cuộc đánh bom vào bệnh viện trên có phải là nhầm lẫn duy nhất của Washington hay không.
Theo ông, Taliban dùng một khu vực đông dân cư làm căn cứ chiến đấu, đẩy dân thường vào thế nguy hiểm. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh thương vong cho dân thường trong tương lai", ông Campbell nói.
Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết đã thông báo địa điểm của bệnh viện tới các lực lượng của Afghanistan và Mỹ vài lần trong các tháng qua, gần đây nhất là trong tuần, nhằm tránh bị trúng bom. Tuy nhiên, bom đã dội xuống gần một giờ liền làm 22 người, trong đó có trẻ em, thiệt mạng.
Các lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan từ tháng 12 năm ngoái và duy trì khoảng 13.000 quân tại đây để huấn luyện và tham gia chiến dịch chống khủng bố.
Anh Ngọc