Mỹ hôm 23/10 tuyên bố đang thu hồi thị thực của 21 quan chức Arab Saudi liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của Riyadh, theo AFP.
"Hình phạt đó không phải là động thái cuối cùng từ phía Mỹ trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp bổ sung nhằm khiến họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang thể hiện rất rõ rằng Mỹ không khoan dung cho hành động khiến ông Khashoggi im lặng thông qua bạo lực", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert sau đó nói thêm rằng các nghi phạm sẽ bị thu hồi thị thực hoặc không đủ điều kiện để cấp thị thực trong tương lai.
Pompeo cho biết 21 người là thành viên của "các cơ quan tình báo, tòa án hoàng gia, bộ ngoại giao và các bộ khác ở Arab Saudi", đồng thời tiết lộ Washington đã "xác định được ít nhất một vài cá nhân" đứng sau cái chết của nhà báo 60 tuổi.
Theo Ngoại trưởng, Mỹ cũng đang xem xét việc áp dụng Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu, hay còn gọi là luật Magnitsky, nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt về tài chính đối với thủ phạm sát hại Khashoggi. Tuy nhiên, Pompeo nhắc lại rằng Washington vẫn coi Riyadh là đồng minh và "không vui vẻ gì" khi phải chống lại nước này.
Khashoggi tới Mỹ sống lưu vong vào năm ngoái do lo sợ bị chính quyền Arab Saudi trả thù. Ông biến mất từ hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Riyadh ban đầu khẳng định Khashoggi đã rời lãnh sự quán, nhưng sau đó xác nhận nhà báo này đã chết do một vụ ẩu đả, nhưng không biết thi thể ở đâu.
Trong bài phát biểu trước quốc hội hôm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định việc sát hại nhà báo Khashoggi là "âm mưu được lên kế hoạch" và là "vụ giết người mang tính chính trị", đồng thời khẳng định Ankara sẽ tiếp tục điều tra. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nhấn mạnh sẽ "làm rõ sự việc đến cùng".
Ánh Ngọc