Paul Cassell, luật sư đại diện 15 gia đình các nạn nhân trong hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX ở Indonesia và Ethiopoa, ngày 30/6 cho biết nhóm đã nhận được thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ về hướng giải quyết trách nhiệm hình sự đối với Boeing liên quan hai thảm kịch hàng không những năm 2018-2019.
Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ đưa ra thỏa thuận nhận tội để Boeing xem xét nhằm tránh bị đưa ra xét xử trước tòa. Theo dự thảo thỏa thuận, Boeing phải nộp phạt khoảng 244 triệu USD và chấp nhận bị giám sát trong ba năm bởi một cơ quan độc lập. Boeing cũng cần cam kết chính sách đầu tư mới cho cải thiện mức an toàn, tổ chức cuộc gặp giữa ban giám đốc và gia đình các nạn nhân trong hai vụ rơi máy bay 737 MAX.
Boeing nhận bản dự thảo thỏa thuận nhận tội trong ngày 30/6. Tập đoàn có thời hạn đến cuối tuần này để chấp nhận hoặc từ chối thỏa thuận, theo tiết lộ từ ông Cassell và các nguồn tin công tố viên liên bang Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ và Boeing chưa bình luận về thông tin này. Trong khi đó, ông Cassell quyết định công khai thông tin vì cảm thấy không hài lòng về hướng xử lý của Bộ Tư pháp Mỹ, gọi đây là thỏa thuận kiểu "giơ cao đánh khẽ".
"Thỏa thuận này không thừa nhận Boeing đã có hành động phạm pháp khiến 346 người chết", ông Cassells nói. "Gia đình các nạn nhân sẽ phản đối kịch liệt thỏa thuận nhận tội này. 346 người vô tội đã thiệt mạng vì Boeing và họ xứng đáng được hưởng công lý".
Vào ngày 29/10/2018, máy bay thuộc hãng Lion Air của Indonesia rơi trên biển Java khiến toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn tử nạn. Dữ liệu hộp đen cho thấy máy bay gặp sự cố kỹ thuật ngay sau khi cất cánh và phi công không thể giải quyết. Khoảng 5 tháng sau, hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp thảm kịch tương tự, khiến 157 người trên khoang thiệt mạng.
Các cuộc điều tra tai nạn cho thấy Boeing đã thêm vào dòng MAX 8 một hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay tự động (MCAS) mà không thông báo rõ ràng cho phi công hoặc hãng hàng không.
MCAS đọc góc tấn (góc giữa mũi máy bay và luồng khí) của 737 MAX thông qua cảm biến gắn trên mũi. Nếu mũi máy bay bị chếch lên quá cao, MCAS sẽ điều khiển phần đuôi để giữ máy bay thăng bằng và tránh thất tốc (hiện tượng dòng khí qua cánh không đủ để tạo lực nâng cho máy bay).
Tuy nhiên, các nhà điều tra cho rằng các cảm biến có thể đã cung cấp thông tin sai lệch về góc tấn và MCAS cố gắng khắc phục nhưng đi quá xa, khiến cả hai máy bay bị rơi. Boeing đã hạ thấp tầm quan trọng của hệ thống MCAS và không kiểm tra toàn diện cho đến sau vụ tai nạn thứ hai.
Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2021 cáo buộc Boeing phạm tội lừa đảo vì đã cố tình đánh lừa Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) trong quá trình kiểm định chất lượng dòng 737 MAX 8. Boeing sau đó quy trách nhiệm cho hai nhân viên cấp thấp trong công ty. Bộ Tư pháp Mỹ đồng ý hoãn truy tố trong ba năm, cho phép Boeing nộp phạt hành chính và phải cam kết điều chỉnh chính sách đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14/5 thông báo cân nhắc truy tố Boeing vì đã vi phạm thỏa thuận, không thực hiện những thay đổi đúng cam kết. Quyết định cuối cùng sẽ được các công tố viên thông báo cho tòa án liên bang muộn nhất vào ngày 7/7.
Trong thông cáo hôm 19/6, luật sư Cassell cho biết đã gửi đơn đến Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị "án phạt kịch khung" đối với Boeing với mức phạt 24 tỷ USD, buộc tập đoàn tăng cam kết an toàn và chịu giám sát trong 5 năm.
Các gia đình còn yêu cầu gặp trực tiếp ban giám đốc Boeing và đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra thêm mọi nghi vấn về hành vi phạm tội khác ở tập đoàn này. Họ cũng đề nghị chính phủ Mỹ truy tố những cá nhân trong tập đoàn Boeing liên đới trách nhiệm trong hai vụ rơi máy bay ở Ethiopia và Indonesia, đang hoặc từng làm việc tại Boeing trong thời điểm hai thảm kịch xảy ra.
Thanh Danh (Theo Hill, Reuters, AFP)