Trường hợp nữ y tá gốc Việt là người đầu tiên nhiễm Ebola trên đất Mỹ đã đánh dấu việc lan truyền đáng lo ngại của đại dịch này ra ngoài Tây Phi. Mỹ đang nỗ lực siết chặt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Tổng thống Barack Obama yêu cầu ngay lập tức có nhiều biện pháp hơn nữa để đảm bảo nhân viên y tế có thể thực hiện đúng quy trình trong việc điều trị bệnh nhân Ebola.
Hiện việc vận chuyển hài cốt hài cốt của Thomas Eric Duncan - người Liberia mang virus Ebola đến Mỹ và qua đời tại Bệnh viện Presbyterian Dallas, Texas - về nước, cũng đang tạm thời gián đoạn.
Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm là người đầu tiên nhiễm virus Ebola trên đất Mỹ. Cô thuộc đội ngũ y tế đã điều trị cho Thomas Eric Duncan. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, y tá này đã thực hiện nghiêm ngặt tất cả biện pháp phòng ngừa cần thiết. Cô luôn trang bị mặt nạ, tấm chắn, đồ bảo hộ, găng tay... Tình trạng sức khỏe của cô hiện ổn định.
Những nỗ lực để ngăn ngừa dịch bệnh tại Mỹ cũng đang được nỗ lực đẩy mạnh. Hôm chủ nhật, một hành khách trên chuyến bay từ New York tới Los Angeles có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, chiếc máy bay phải hạ cánh ở khu vực riêng tại sân bay quốc tế Los Angeles. Sau một vài giờ, các quan chức xác định hành khách không xuất hiện các triệu chứng Ebola, những hành khách khác mới được phép rời khỏi máy bay.
Từ tuần trước, hành khách đến từ những nước ảnh hưởng nặng nhất bởi Ebola bắt đầu được sàng lọc đặc biệt, kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay lớn của Mỹ. Thủ tục kiểm tra mới được thiết lập cuối tuần qua tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, NewYork xác định 91 hành khách có nguy cơ cao hơn bị nhiễm Ebola dựa trên lịch sử du lịch gần đây của họ. Sau khi kiểm tra thân nhiệt, có 5 người bị nghi ngờ mắc bệnh được yêu cầu phải dừng lại để kiểm tra thêm.
Lê Phương (Theo Edition, WP)