Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Mỹ sẽ vượt Ảrập Xêút thành nước sản xuất dầu mỏ số một thế giới trước năm 2020, và sẽ hoàn toàn độc lập về năng lượng trong 10 năm tới. Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới, IEA nhận định sự tăng tốc về sản lượng dầu mỏ, khí đốt và nỗ lực cải thiện hệ thống giao thông đang làm thay đổi đáng kể thị trường năng lượng nước này.
![]() |
Mỹ sẽ không phải nhập khẩu dầu mỏ trong 10 năm tới. Ảnh: SCMP |
Cơ quan này cho biết: "Mỹ hiện nhập khẩu 20% năng lượng cần thiết. Tuy nhiên, nước này sẽ sớm có thể tự cung tự cấp". Ngành công nghiệp dầu mỏ tại Mỹ đang bùng nổ, phần lớn nhờ giá thế giới cao và nhiều công nghệ khai thác mới, trong đó có bẻ gãy thủy lực - giúp chiết tách dầu mỏ và khí đốt từ các mỏ đá phiến sét.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, giai đoạn 2008 - 2011, sản lượng dầu thô Mỹ tăng 14% và khí gas tự nhiên tăng 10%. IEA cho biết giá khí gas tự nhiên của Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ nhu cầu nội địa hơn là xuất khẩu sang các thị trường khác.
Cơ quan này dự đoán: "93% khí gas tự nhiên sản xuất tại Mỹ sẽ được dùng chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước". Vai trò của Mỹ với thị trường năng lượng thế giới sẽ đẩy nhanh sự chuyển dịch thương mại dầu mỏ quốc tế, làm giảm tầm quan trọng của việc duy trì an ninh tuyến dầu mỏ từ Trung Đông đến Trung Quốc và Ấn Độ.
IEA cũng nhận định nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng hơn một phần ba năm 2035. Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông chiếm khoảng 60% mức tăng này, bù đắp được nhu cầu sụt giảm ở các nền kinh tế phát triển.
Việc này sẽ đẩy giá nhập khẩu dầu trung bình trên thế giới lên 125 USD một thùng năm 2035, từ 100 USD hiện tại. Tuy nhiên, giá này có thể cao hơn nếu Iraq không thể sản xuất dầu ở mức tối đa.
Thùy Linh (theo CNN)