"Việt Nam hiện có một tàu cảnh sát biển do Mỹ cung cấp. Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam. Điều đó rất quan trọng với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Họ có thể đóng góp nhiều cho khu vực", W. Patrick Murphy, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nói trong cuộc trao đổi với các phóng viên Mỹ và châu Á qua điện thoại ngày 22/3.
Mỹ hồi tháng 5/2017 bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). Sau khi được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam, tàu được đổi tên thành CSB 8020.
Đề cập đến việc năm sau Việt - Mỹ sẽ kỷ niệm 25 năm bình thường quan hệ ngoại giao và Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN, ông Murphy cho biết Mỹ mong muốn "được làm việc chặt chẽ với Việt Nam về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực".
Quan chức này khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh tất cả quốc gia trên thế giới đều có lợi ích khi giao thông và thương mại ở các tuyến đường biển không bị cản trở.
Dưới thời Tổng thống Trump, hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đáp phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không quân Mỹ trong tháng ba đã hai lần triển khai oanh tạc cơ B-52 thực hiện quyền tự do hàng không trên Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế được áp dụng", Murphy tuyên bố.
Ông khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ. "Các bên có nhiều tầm nhìn riêng trong khu vực và chúng tôi hoan nghênh điều đó. Chúng tôi cảm thấy được khích lệ khi điểm chung của các tầm nhìn này là một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và tuân thủ luật lệ", ông nói.