Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu với các binh sĩ tại Hawai hôm qua. Ảnh: AFP |
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến lược mới của Mỹ, chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhiều người tự hỏi chiến lược đó sẽ được thực hiện như thế nào trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị bắt giảm. Chuyến công du châu Á lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta được xem như cơ hội để Mỹ làm rõ sẽ triển khai chiến lược đó như thế nào.
Panetta phát biểu tại hội nghị an ninh châu Á sáng nay, cho biết số lượng binh sĩ Mỹ và các vũ khí công nghệ cao sẽ được tăng cường tại châu Á Thái Bình dương trong thập kỷ tới. Kế hoạch của Lầu Năm góc nhằm mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á và xa hơn nữa sẽ được tiến hành trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác, chứ Mỹ không xây dựng thêm các căn cứ thường trực mới.
Thay vì xây dựng căn cứ cố định, chiến lược quân sự mới của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương sẽ dựa trên sự triển khai linh hoạt, vũ khí hiện đại và gia tăng tàu hải quân
Các lực lượng quân sự Mỹ, trong đó có các tàu hải quân, máy bay và binh sĩ, sẽ được triển khai tạm thời để tổ chức diễn tập và hoạt động chung với các nước đồng minh. Họ cũng được phép tiếp cận với các bến cảng, sân bay và nhiều địa điểm khác.
"Chúng tôi đang hướng đến một mối quan hệ đổi mới và sáng tạo, trong đó thực hiện các cuộc triển khai luân phiên", ông nói.
Trong khi Washington đang vật lộn với áp lực thắt lưng buộc bụng, kế hoạch này sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn sử dụng các căn cứ thường trực và tránh được sự phản đối từ các nước đối tác.
Người đứng đầu quốc phòng Mỹ cho biết ông đã thảo luận về cách thực hiện chiến lược châu Á suốt chuyến thăm đến Hawaii hôm qua với chỉ huy Tư lệnh Thái Bình Dương, Chuẩn Đô đốc Samuel Locklear, chịu trách nhiệm giám sát các lực lượng trong khu vực này.
"Chúng tôi đang thử nghiệm chiến lược này ở Australia và đang phối hợp để thực hiện tiếp ở Philippines cũng như các nước khác", ông nói. "Chúng tôi đã hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương nhưng sẽ tiếp tục thắt chặt sự hiện diện này trong vòng 5-10 năm tới".
Đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% năng lực hải quân của họ tại Thái Bình Dương, và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50:50 hiện nay. Panetta cho biết Mỹ cũng sẽ nỗ lực tăng số lượng các chuyến thăm viếng và hoạt động của hải quân tại Ấn Độ Dương.
Ông Panetta cho biết sức mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương cũng sẽ được thúc đẩy bằng việc đầu tư vào công nghệ. Lầu Năm góc đang tích cực phát triển các chiến đấu cơ, máy bay ném bom hiện đại, các tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Panetta nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ rằng chiến lược mới của Washington ở châu Á không nhằm mục đích kiểm soát sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc và Mỹ, cũng như các nước khác trong khu vực chia sẻ lợi ích chung tại đây.
Ông Panetta dự kiến sẽ có bài phát biểu về chiến lược mới này vào hôm nay tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, một hội nghị cấp cao của các bộ trưởng quốc phòng do Viện Chiến lược Quốc tế tổ chức. Sau đó, ông chủ Lầu Năm góc sẽ lên đường công du Việt Nam và Ấn Độ.
Anh Ngọc