AFP đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm qua có cuộc điện đàm dài 30 phút với người đồng cấp của Nhật Bản, ông Itsunori Onodera. Hai bên nhất trí hợp tác để cùng gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mới thiết lập.
Theo thông cáo từ Lầu Năm góc, Hagel ca ngợi Tokyo đã thể hiện "sự kiềm chế thích hợp" sau động thái của Bắc Kinh. Ông cũng "tái khẳng định chính sách lâu dài của Mỹ, bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo Mục V trong Hiệp ước Phòng thủ Song phương Nhật-Mỹ. Lầu Năm góc cam kết tham vấn chặt chẽ với nước đồng minh nhằm tránh những sự việc bất ngờ.
Cũng hôm qua, giới chức Mỹ cho biết phó tổng thống Joe Biden sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề gây tranh cãi này trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần tới.
"Rõ ràng, chuyến thăm tạo ra cơ hội cho phó tổng thống thảo luận trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh về vấn đề này, chuyển tải mối quan ngại của chúng tôi một cách trực tiếp và tìm hiểu rõ ràng ý định của Trung Quốc khi thực hiện động thái trên vào thời điểm này", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Hôm 23/11, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không bao trùm biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh yêu cầu tất cả các máy bay đi vào ADIZ phải khai báo kế hoạch bay, quốc tịch, duy trì liên lạc hai chiều, nếu không sẽ đối mặt với những biện pháp phòng thủ khẩn cấp.
Động thái này đổ thêm dầu vào lửa trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Tokyo. Tàu và máy bay hai nước đã nhiều lần đối đầu trong khu vực tranh chấp, dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột.
Các hãng hàng không Nhật Bản đã ngừng cung cấp lịch bay cho Trung Quốc. Theo Jiji Press, các hãng này cũng chưa gặp vấn đề gì, dù không còn tuân thủ quy định mới của Trung Quốc như ban đầu. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo tất cả các các hãng hàng không Mỹ có những biện pháp để đảm bảo an toàn trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Mỹ hôm qua điều hai máy bay ném bom B-52 đến khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông và không thông báo cho Bắc Kinh, phớt lờ đòi hỏi của Trung Quốc trong vùng nhận dạng phòng không. Các máy bay này không mang vũ khí, cất cánh từ đảo Guam, trong một hoạt động mà giới chức Mỹ mô tả là diễn tập thường xuyên.
Trung Quốc sau đó khẳng định nước này đã theo dõi hoạt động của các máy bay B-52 trên và có đủ khả năng để thực thi vùng phòng không mới tuyên bố. "Chính phủ Trung Quốc có ý chí và khả năng để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia", Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những chiếc máy bay B-52 Stratofortress tầm xa, cùng những cam kết và động thái mới trên của Mỹ, được đánh giá vẫn là một lời cảnh báo mạnh mẽ của Washington với Bắc Kinh.
Anh Ngọc