Mỹ sẽ xây dựng một cảng biển và hỗ trợ phát triển hạ tầng cảng Bina, phía tây đảo Malaita, Daniel Suidani, tỉnh trưởng tỉnh Malaita thuộc quần đảo Solomon, cho biết hôm nay. "Chúng tôi đã đề nghị Mỹ và Australia trở thành một phần an ninh của Malaita, để họ trông chừng các nhà đầu tư Trung Quốc", Suidani nói.
Malaita là một đảo lớn thuộc quần đảo Solomon, với hơn 650.000 dân sinh sống, chiếm 1/4 dân số quốc đảo. Tỉnh này được coi là khu vực chính trị và địa lý quan trọng của quốc đảo ở Thái Bình Dương này.
Solomon gần đây có sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại khi tuyên bố cắt quan hệ với đảo Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hôm 16/9.
Tuy nhiên, tỉnh trưởng Suidani cho hay tỉnh Malaita không thừa nhận sự thay đổi trong quan hệ ngoại giao này và muốn Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực, bao gồm Australia, đẩy lùi các dự án phát triển bất động sản hoặc đánh bắt trái phép trong vùng nước của mình.
Quy mô hợp tác và đóng góp tài chính của Mỹ với đảo Malaita đang được thảo luận. Văn phòng Đại sứ Mỹ ở Papua New Guinea, Solomon và Vanuatu tuyên bố Malaita và cả Solomon sẽ hưởng lợi từ hỗ trợ của Mỹ trong đầu tư hạ tầng giao thông.
Malaita nổi lên là một đồng minh quan trọng của Washington khi các tỉnh còn lại ở quốc đảo Solomon trở nên thân thiết hơn với Bắc Kinh. Mỹ gần đây cũng tăng cam kết vào Solomon, bao gồm quyết định tái lập sự hiện diện của Quân đoàn Hòa bình tình nguyện của chính phủ Mỹ tại quần đảo sau gần 20 năm vắng bóng.
Trong tuyên bố gửi Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này luôn đề cao nguyên tắc hợp tác, cùng có lợi, cởi mở và bền vững với các quốc đảo Thái Bình Dương. "Trung Quốc không phản đối các mối quan hệ song phương và hợp tác phát triển bình thường giữa các nước", tuyên bố có đoạn.
Tập đoàn China Sam của Trung Quốc hồi tháng 9 ký thỏa thuận với tỉnh Trung tâm của Solomon để thuê và phát triển hạ tầng trên đảo Tulagi cùng một số đảo xung quanh. Tuy nhiên, chính quyền quốc đảo Solomon sau đó tuyên bố thỏa thuận này không có giá trị pháp lý và cần bị hủy.
Nhật Duy (Theo Reuters)