Ngày 29/4, Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ công bố kết quả sơ bộ cho thấy thuốc remdesivir đã rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân Covid-19 đến 31%. Cụ thể, người bệnh có thể phục hồi sau 11 ngày so với người dùng giả dược phải điều trị đến 15 ngày.
"Điều này thực sự quan trọng", ông Fauci nói. "Nó giống như thời điểm năm 1986, khi chúng tôi đang vật lộn tìm ra thuốc cho bệnh HIV".
Mặc dù kết quả này vẫn cần thời gian để thẩm định, ông Fauci vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng nó có thể mở ra cánh cửa điều trị bệnh nhân Covid-19 và sẽ sớm trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn.
Thử nghiệm do Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ tiến hành ngẫu nhiên có kiểm soát trên 1.060 bệnh nhân trên toàn thế giới. Kết quả còn cho thấy, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân sử dụng thuốc thấp hơn so với người không sử dụng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhận định đây là tín hiệu khả quan. Ông mong muốn việc cấp phép sớm được diễn ra nhưng phải đảm bảo được an toàn.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, thuốc được coi như "ứng cử viên tiềm năng" vì chưa có phương pháp điều trị hoặc vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Các bác sĩ đã rất háo hức với kết quả từ nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc Gia Mỹ theo phương pháp nghiên cứu ngẫu nhiên, có giả dược đối chứng. Bệnh nhân sử dụng remdesivir được so sánh với nhóm không dùng thuốc. Cả bác sĩ và tình nguyện viên đều không thể phân biệt thuốc thật và giả dược. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan, giúp thu lại kết quả đáng tin cậy hơn.
FDA cho biết đã thảo luận với Gilead về việc cung cấp remdesivir cho bệnh nhân càng nhanh càng tốt. Cơ quan này từ chối bình luận về bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc cho phép phê duyệt quy định về thuốc.
Ngoài thử nghiệm, Gilead tiếp tục cung cấp thuốc để bệnh nhân sử dụng với mục đích nhân đạo. Công ty đã phân phối 1,5 triệu liều thuốc tiêm, đủ dùng cho 140.000 người.
Hiện vẫn còn những nghi ngờ về hiệu quả của thuốc kháng virus remdesivir do hãng dược Gilead Sciences của Mỹ sản xuất. Remdesivir chưa từng được chấp nhận là thuốc điều trị cho bất cứ căn bệnh nào. Thuốc này trước đây từng được thử nghiệm chống Ebola nhưng không hiệu quả.
Tiến sĩ Lawrence Altman, thành viên toàn cầu tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết vẫn chưa sẵn sàng để "ăn mừng" trước những kết quả sơ bộ. Ông cho rằng dữ liệu này cung cấp một tia hy vọng rằng remdesivir có tác dụng chống lại Covid-19, nhưng cần phân tích khoa học hơn và so sánh chúng với các nghiên cứu khác về thuốc để tìm ra hướng thích hợp.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y khoa Lancet cũng cho rằng thuốc này không hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Trung Quốc. Sức khỏe của các tình nguyện viên không cải thiện rõ rệt, tỷ lệ tử vong ở nhóm dùng thuốc và giả dược là tương đương nhau. Gilead bác bỏ kết luận này. Trên thực tế, thử nghiệm đã chấm dứt trước thời hạn do không đủ tình nguyện viên tham gia.
Đại diện hãng Gilead cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với chính phủ về những bằng chứng tiềm năng ngày một tăng thêm về remdesivir, nhằm đảm bảo thuốc được tiếp cận rộng rãi để điều trị khẩn cấp trên toàn thế giới.
Thùy An (Theo Reuters, New York Times)