![]() |
Ông Bush sợ Nghị định thư Kyoto ảnh hưởng lợi ích kinh tế của Mỹ. |
Nghị định thư Kyoto được cựu Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 1998, nhưng chưa được đưa ra Quốc hội để phê chuẩn. Căn cứ nội dung Nghị định thư, các nước tham gia phải cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính (chủ yếu là cacbonic), nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tổng thống Bush phản đối vì cho rằng Nghị định thư đi ngược lại lợi ích kinh tế của nước Mỹ, lại không ràng buộc các nước đang phát triển vào việc cắt giảm khí thải. Đầu tháng trước, ông đã tuyên bố không yêu cầu các nhà máy điện ở Mỹ giảm lượng khí thải cacbonic.
EU rất phẫn nộ khi nghe tin Mỹ rút khỏi Nghị định thư. Phát ngôn viên của Ủy ban Môi trường EU, bà Annika Ostergren, nói: “Đôi khi người ta cứ tưởng rằng đây chỉ là chuyện môi trường, nhưng thực ra đó còn là vấn đề quan hệ quốc tế và hợp tác kinh tế nữa”. Trước đó, EU đã thông báo với Mỹ rằng thay đổi khí hậu là “một phần phải tính đến trong quan hệ giữa đôi bên”. Tuy nhiên, lá thư họ gửi Tổng thống Mỹ tuần trước không nhận được hồi âm. Bản thân bà Annika Ostergren lúc đầu cũng chỉ hay tin về sự phản đối của ông Bush qua một tờ báo trích lời Todd Whitman, Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nói rằng Mỹ “không được lợi gì từ việc thực hiện Nghị định thư”.
Vậy mà nhiều tuần trước đó, chính ông Todd Whitman đã nói với Chủ tịch Ủy ban Môi trường EU, ông Wallstroem, và bộ trưởng môi trường các nước G8 rằng Tổng thống Bush lo ngại về tình hình khí hậu toàn cầu và hứa hẹn sẽ hạn chế phát thải khí nhà kính. Mỹ cũng từng dự thảo kế hoạch đưa việc cắt giảm lượng cacbonic vào luật chống ô nhiễm. Nhưng cuối cùng, họ đã lật ngược cam kết.
Đoan Trang (theo INT, Reuters, 29/3)