Mỹ ngày 18/10 tuyên bố rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, do chính sách áp phí vận chuyển thấp dành cho các nước đang phát triển. Một số thành viên UPU như Trung Quốc đang tận dụng điều này để đưa số lượng rất lớn hàng hóa vào thị trường Mỹ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp sở tại, theo SCMP.
"Hệ thống cước đầu cuối của UPU bị một số quốc gia lợi dụng", Phó chủ tịch Trung tâm Điều phối toàn cầu của Phòng Thương mại Mỹ Sean Heather khẳng định. "Các công ty Mỹ không nên trả cho dịch vụ giao hàng trọn gói trong nội địa Mỹ khoản phí nhiều hơn những gì mà US Postal thu đối với các kiện hàng từ nước ngoài".
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng trong quan hệ của Washington và Bắc Kinh vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại.
Việc rút khỏi UPU cho phép Mỹ xây dựng biểu phí dịch vụ bưu chính riêng đối với các đơn vận chuyển quốc tế.
"Tổng thống chấp thuận đề nghị của Bộ Ngoại giao về việc áp dụng mức phí tự xây dựng cho khoản cước đầu cuối và thực hiện sớm nhất có thể, không muộn hơn ngày 1/1/2020", thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Tổng giám đốc UPU Bishar A. Hussein "lấy làm tiếc" trước quyết định của chính quyền Trump và sẽ tìm cách gặp các quan chức chính phủ Mỹ để thảo luận thêm. "UPU cam kết đạt được mục tiêu cao nhất trong hợp tác quốc tế bằng cách làm việc với tất cả 192 quốc gia thành viên nhằm đảm bảo hiệp ước phục vụ mọi người tốt nhất", Hussein nói.
Trong năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có các cuộc hội đàm song phương và đa phương với các nước thành viên UPU nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến hệ thống tổ chức. Trong trường hợp các vấn đề mà Mỹ quan tâm được giải quyết, nước này có thể không rút khỏi UPU.
"Nếu các cuộc đàm phán thành công, chính quyền Mỹ sẽ thông báo hủy bỏ việc rút lui và tiếp tục ở lại UPU", theo thông cáo của Nhà Trắng. Công ước của UPU quy định đề xuất rút khỏi liên minh này của một thành viên sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ thời điểm đề xuất được công bố.
Theo chuyên gia Karlyn Bowman thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), chính quyền Mỹ còn "đang đánh giá nghiêm túc lại các chính sách liên quan đến Liên Hợp Quốc, kể cả Tòa Hình sự Quốc tế hay Ủy ban Nhân quyền".
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau, lời kêu gọi thay đổi cơ chế đối phó với chính sách bảo hộ công nghiệp cùng chiến dịch vận động nhằm đổi mới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Mỹ được quan tâm. Danh nghĩa "quốc gia đang phát triển" của Trung Quốc trở thành nội dung quan trọng trong các khiếu nại Mỹ đệ trình lên WTO. Với sự ủng hộ của Nhật Bản và EU, Mỹ muốn buộc Trung Quốc phải thay đổi cách thức kinh doanh.
"Tôi cũng muốn đất nước chúng ta được đưa vào danh sách các quốc gia đang phát triển bởi chúng ta cũng đang phát triển nhanh hơn bất cứ ai trên thế giới", Tổng thống Trump phát biểu tại buổi mít tinh chính trị ở bang Bắc Dakota, Mỹ vào tháng 9.
Nguyễn Tiến