Thay vì án phạt tù, thẩm phán Mỹ có thể áp dụng hình thức quản chế tại địa phương với người bị kết án. Với hình thức này, người phạm tội được tiếp tục sinh sống trong cộng đồng nhưng bị tước mất một số quyền tự do của công dân bình thường. Nếu tiếp tục phạm pháp trong thời gian quản chế, người phạm tội sẽ phải ngồi tù.
Hình phạt quản chế có ba mục đích chính: giúp người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, bảo vệ cộng đồng trước hành vi tội phạm tương lai, và bảo vệ quyền lợi của nạn nhân.
Đối tượng áp dụng hình thức quản chế tại địa phương thường là những người phạm tội lần đầu, mức độ nguy hiểm thấp. Quyết định áp dụng hình thức quản chế chủ yếu thuộc vào thẩm quyền quyết định của thẩm phán vụ việc, nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Mỗi bang lại có quy định khác nhau về tội danh có thể được áp dụng hình thức quản chế. Ví dụ điều 42A.053, Bộ luật Tố tụng Hình sự bang Texas quy định người phạm tội không được chuyển sang hình thức quản chế nếu bản án có hình phạt tù vượt quá 10 năm; sử dụng vũ khí nguy hiểm; trước đó từng có tiền án về tội nghiêm trọng; hoặc tội danh bị kết án là tội giết người, bắt cóc, buôn người, xâm hại tình dục, cố ý gây thương tích cho trẻ em, người già hoặc người khuyết tật, trộm cướp...
Trong khi đó, theo điều 1203, khoản e của Bộ luật hình sự California, phạm vi cấm áp dụng quản chế còn rộng hơn, bao gồm cả những hành vi như: biển thủ hoặc đưa hối lộ khi là công chức, cố tình tàng trữ hoặc phát tán thuốc gây ảo giác PCP, trộm cắp tài sản có giá trị hơn 100.000 USD, sở hữu súng trường/súng săn cưa nòng, súng máy hoặc giảm thanh cho súng.
Để thực hiện ba mục đích trên, thẩm phán sẽ đặt ra điều kiện và cấp độ quản chế tùy vào từng vụ việc cụ thể. Theo Legal Dictionary, có nhiều cấp độ quản chế dành cho người phạm tội:
Quản chế không chịu giám sát: Người quản chế không chịu sự giám sát trực tiếp của viên chức quản chế, nhưng vẫn phải tuân thủ các điều kiện tòa đặt ra trong thời hạn nhất định.
Quản chế chịu giám sát: Yêu cầu người quản chế phải báo cáo với viên chức quản chế, có thế là qua gặp mặt hằng tuần, hằng tháng hoặc qua điện thoại, thư tín.
Quản chế kiểm soát tại cộng đồng: Buộc người bị quản chế phải ở tại nơi cư trú và bị giám sát bằng thiết bị định vị đeo cổ chân. Trong một số trường hợp, người bị quản chế được phép rời nhà đi học hoặc đi làm.
Quản chế cảnh cáo: Bị cáo phải ngồi tù trong thời gian ngắn và bị quản chế sau khi ra ngoài. Làm như vậy để "cảnh cáo" bị đơn, buộc họ tuân thủ điều kiện quản chế.
Một số điều kiện quản chế thông thường là:
- Giữ đúng lịch hẹn thường xuyên với viên chức quản chế;
- Xuất hiện tại tòa khi được triệu tập;
- Kiếm một công việc làm ổn định;
- Bồi thường cho nạn nhân;
- Tránh lại gần người bị cấm gặp hoặc tới nơi bị cấm đến;
- Không đi khỏi bang cư trú khi chưa được viên chức quản chế cho phép;
- Tuân thủ pháp luật, kể cả quy định nhỏ nhặt như đi qua đường ở nơi có vạch kẻ;
- Không được dùng chất kích thích hoặc uống rượu;
- Bị kiểm tra định kỳ nồng độ rượu và chất kích thích trong máu;
- Thực hiện đủ số giờ lao động công ích;
- Đeo thiết bị theo dõi.
Tuy có nhiều điểm tương đồng với chế định án treo ở Việt Nam, hình thức quản chế tại cộng đồng trong pháp luật Mỹ cũng có một số điểm riêng. Bên cạnh những điều kiện thông thường, thẩm phán có thể đặt ra điều kiện đặc biệt miễn là có liên quan tới tội danh đã thực hiện. Chẳng hạn, với người nhiều lần say xỉn khi lái xe, chủ xe sẽ phải lắp đặt máy đo nồng độ cồn nối với bộ điều khiển. Với thiết bị này, xe chỉ khởi động khi nồng độ cồn trong máu của người lái ở mức an toàn.
The Guardian đưa tin, vào năm 2010, một thẩm phán ở hạt Houston, Texas đã buộc người phạm tội phải tham gia nhóm đọc sách, bên cạnh điều kiện quản chế thường. Ý tưởng này thuộc vào chuỗi hoạt động "Thay đổi cuộc sống nhờ văn học". Nhóm đọc sách thường có 30 người đã bị kết án, đồng thời còn có sự tham gia của thẩm phán, viên chức quản chế và một giáo sư đại học. Kết quả cho thấy tỉ lệ tái phạm sau khi tham gia nhóm đọc giảm đáng kể.
Để hình thức quản chế được thực thi có hiệu quả, vai trò của người viên chức quản chế là rất quan trọng. Thẩm phán là người đặt ra điều kiện quản chế, nhưng viên chức quản chế mới là người sát sao, đảm bảo người phạm tội thực hiện đúng những điều đó.
Giả sử điều kiện quản chế là phải tìm kiếm công việc ổn định, viên chức quản chế phải thực hiện một số công việc như:
- Tạo dựng mối quan hệ với cơ quan và cá nhân trong cộng đồng có thể trợ giúp người bị quản chế tìm kiếm việc làm, ví dụ như tổ chức phi lợi nhuận, trường học, công ty,...;
- Tìm hiểu đặc điểm của người bị quản chế để có sự hướng dẫn, đào tạo thích hợp. Ví dụ, cho người phạm tội tham gia lớp đào tạo nghề nếu họ thiếu kỹ năng;
- Xác nhận người bị quản chế đang thật sự tìm kiếm việc làm;
- Xác nhận họ thật sự làm việc, bằng cách thăm hỏi ngẫu nhiên ở chỗ làm, kiểm tra bảng lương, giữ liên lạc với chủ lao động;
- Kiểm soát và chấn chỉnh người bị quản chế nếu họ không tới làm việc, nhảy việc thường xuyên, tiêu xài quá mức, hoặc không tuân thủ điều kiện quản chế.