Dự thảo nghị quyết do Brazil đệ trình được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 18/10, trong đó lên án vụ tấn công của Hamas vào Israel và kêu gọi lực lượng này thả con tin. Nghị quyết cũng kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo vệ mạng sống dân thường ở Dải Gaza, trong bối cảnh Israel liên tục không kích khu vực này để đáp trả Hamas.
"Cộng đồng quốc tế nên thiết lập lệnh ngừng bắn vì mục đích nhân đạo để cho phép cung cấp viện trợ cho Dải Gaza", dự thảo nghị quyết cho hay.
12 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, Nga và Anh bỏ phiếu trắng, còn Mỹ bỏ phiếu chống. Do Mỹ là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, phiếu chống của họ được coi là phiếu phủ quyết, khiến nghị quyết không thể thông qua.
Để được thông qua, dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị bất cứ nước nào trong 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga phủ quyết. Mỹ có truyền thống ủng hộ đồng minh Israel khỏi bất kỳ hành động nào của Hội đồng Bảo an mà họ cho là bất lợi với Tel Aviv.
"Mỹ thất vọng vì dự thảo nghị quyết này không đề cập đến quyền tự vệ của Israel", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu sau cuộc bỏ phiếu. Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward cũng chung quan điểm này.
Bà Thomas-Greenfield giải thích Mỹ muốn có thêm thời gian để chính sách ngoại giao trên thực địa của họ "phát huy tác dụng". Trước đó, Mỹ trì hoãn việc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết này, khi Tổng thống Joe Biden tới thăm Israel giữa thời chiến để tìm cách hạ nhiệt tình hình, đồng thời thúc giục Tel Aviv cho phép hàng viện trợ quốc tế vào Dải Gaza.
Hội đồng Bảo an là cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Do tranh cãi giữa các bên, Hội đồng không ra được tuyên bố chung sau chiến dịch tấn công ngày 7/10 của Hamas cũng như các vụ không kích trả đũa của Israel.
Một số thành viên hôm 18/10 bày tỏ thất vọng khi Hội đồng không thể đưa ra tuyên bố chung về tầm quan trọng của viện trợ nhân đạo và bảo vệ người dân.
"Rất đáng buồn là Hội đồng tiếp tục không thể đưa ra giải pháp cho những xung đột này. Một lần nữa, sự im lặng và không hành động đã thắng thế. Chẳng ai được lợi ích lâu dài thực sự", Đại sứ Brazil tại Liên Hợp Quốc Sergio Franca Danese nói. Brazil hiện là nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an.
Theo Đại sứ Pháp Nicolas de Riviere, Hội đồng đã "bỏ lỡ cơ hội" khi không thông qua dự thảo nghị quyết của Brazil.
"Chúng tôi vô cùng tiếc nuối vì dự thảo đã bị phủ quyết. Chúng tôi hoàn toàn công nhận quyền tự vệ của Israel, nhưng bảo vệ dân thường, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo, kêu gọi tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế và Công ước Geneva hoàn toàn không mâu thuẫn gì với quyền tự vệ của họ. Đây là những điều căn bản mà dự thảo nghị quyết đã nêu ra", ông nói.
Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Lana Nusseibah cho biết dự thảo không "hoàn hảo", nhưng đất nước của bà bỏ phiếu thuận "vì nó nêu rõ các nguyên tắc cơ bản phải được duy trì và Hội đồng có nghĩa vụ phải củng cố, giữ vững".
Bà cũng bày tỏ hy vọng những nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong khu vực "giúp đưa tất cả chúng ta tránh xa bờ vực mà chúng ta đang tiến tới".
Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cảm ơn Mỹ vì đã phủ quyết "một dự thảo nghị quyết rất tệ", cho rằng "Washington tiếp tục sát cánh cùng chúng tôi trong những lúc cần thiết nhất".
Trong khi đó, đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng "việc sát hại thêm người Palestine sẽ không bao giờ giúp Israel an toàn hơn".
Hội đồng Bảo an thường xuyên bị cản trở bởi quyền phủ quyết của các thành viên thường trực. Một số dự thảo nghị quyết gần đây bị Nga phủ quyết khi đề cập chiến sự ở Ukraine.
Tuần trước, Nga đề xuất dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vì mục đích nhân đạo ở Gaza, nhưng cũng không được thông qua do không hội đủ 9 phiếu ủng hộ.
Hai ngày sau cuộc đột kích ngày 7/10 của Hamas, Israel tuyên bố bao vây hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung điện, lương thực, nước sạch và nhiên liệu cho khu vực hơn 2 triệu dân này. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã chỉ trích động thái của Israel vi phạm luật quốc tế, khiến dân thường ở Dải Gaza lâm vào cảnh khốn cùng.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, Văn phòng Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 18/10 thông báo sẽ không ngăn cản các chuyến hàng chở nước, thực phẩm và thuốc men vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu Ai Cập, miễn là chúng không rơi vào tay lực lượng Hamas.
Huyền Lê (Theo CNN)