Cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) sẽ bắt đầu từ hôm nay và kéo dài 11 ngày. AFP dẫn lời Đại úy Celeste Frank Sayson, người phát ngôn Balikatan, cho biết có 55 phi cơ của Mỹ tham gia tập trận. Philippines cũng sẽ điều các chiến đấu cơ nước này mới tiếp nhận tham gia Balikatan.
Philippines và Mỹ không tiết lộ khu vực cụ thể tổ chức Balikatan. Vài năm gần đây, Balikatan thường diễn ra tại các căn cứ không quân cách những khu vực có tranh chấp trên Biển Đông chỉ 230 km.
Rene de Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, nhận định cuộc tập trận dường như có lưu ý đến sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. "Những thành phần trong Balikatan như bệ phóng tên lửa di động, chiến đấu cơ, cho thấy liên minh đang chuẩn bị cho bảo vệ lãnh thổ", ông nói.
Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, cho biết thêm Balikatan "nhằm tăng cường tương tác giữa các thành viên liên minh và là dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu cần".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines. Nước này gần đây còn xây phi pháp nhiều kiến trúc lớn, trong đó có hệ thống radar và đường băng, trên các bãi đá ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Balikatan năm nay diễn ra trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) Liên Hợp Quốc ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Mỹ lo ngại phán quyết từ PCA có thể khiến Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Balikatan phát triển từ diễn tập đối phó chủ nghĩa khủng bố tới mô phỏng tái chiếm và bảo vệ lãnh thổ trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila leo thang. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Philippines đều nhấn mạnh cuộc tập trận không nhằm vào Trung Quốc.
Như Tâm