Quyết định được FDA đưa ra ngày 1/3. Liệu pháp có tên amivantamab-vmjw (Rybrevant), dùng chung với carboplatin và pemeterxed cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, có một loại đột biến ở protein EGFR khiến tế bào khối u phát triển nhanh chóng.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ xảy ra khi các tế bào bất thường hình thành và nhân lên trong các mô phổi. Đây là loại ung thư phổi phổ biến nhất. Bệnh tiến triển chậm hơn so với ung thư phổi có tế bào nhỏ, nhưng thường dễ lan sang các bộ phận khác trên cơ thể vào thời điểm được chẩn đoán.
Theo Johnson & Johnson, quyết định phê duyệt dựa trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Thử nghiệm cho thấy dùng kết hợp thuốc với hóa trị liệu có thể giảm 61% nguy cơ tiến triển bệnh hoặc tử vong so với chỉ dùng hóa trị liệu. Liệu pháp đã cải thiện tỷ lệ đáp ứng khách quan và khả năng sống sót của bệnh nhân.
Dựa trên kết quả nghiên cứu và quyết định mới của FDA, Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia đã cập nhật hướng dẫn, đưa liệu pháp và liệu trình điều trị ung thư.
Rybrevant sẽ được tiêm tĩnh mạch, với liều 1400 mg cho người nặng dưới 80 kg, 1750 mg ở người nặng 80 kg. Bệnh nhân sử dụng thuốc trong vòng 4 tuần, sau đó cách ba tuần với liều 1750 mg hoặc 2100 mg.
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới, sau ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 236.000 ca ung thư phổi mới được chẩn đoán và hơn 130.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc ung thư phổi là 52 ca trên 100.000 người mỗi năm.
Theo thống kê của Seer Cancer, khoảng 6% nam giới và phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc ung thư phổi ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm mắc ung thư phổi là 22,9%.
Triệu chứng của người bệnh bao gồm tức ngực hoặc khó chịu, ho dai dẳng không khỏi, khó thở, thở khò khè, khàn tiếng, mệt mỏi và khó nuốt. Đôi khi, ung thư phổi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, chỉ được phát hiện khi chụp X-quang hoặc khám sàng lọc định kỳ.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ là hút thuốc, tiếp xúc với bụi kim loại và khoáng chất, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ô nhiễm không khí, xơ phổi, HIV/AIDS.
Thục Linh (Theo Reuters)