"Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) gần đây phát hiện một nguy cơ tiềm tàng mà Boeing phải giảm thiểu trên dòng 737 MAX", tuyên bố của FAA hôm qua cho hay. "Chúng tôi sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bay với dòng phi cơ này chỉ khi thực sự cảm thấy an toàn".
Sự cố được phát hiện khi một phi công của FAA hồi tuần trước thử kích hoạt hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) của 737 MAX trong một phiên bay giả lập. Phải mất một lúc lâu sau khi MCAS kích hoạt, phi công của FAA mới có thể giành lại quyền kiểm soát máy bay.
MCAS là hệ thống có tác dụng ngăn máy bay ngóc mũi lên quá cao dẫn đến tình trạng rơi tự do mất kiểm soát, hay còn gọi là thất tốc, hiện tượng được cho là nguyên nhân dẫn tới hai vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên dòng máy bay Boeing 737 MAX của hãng Lion Air, Indonesia và Ethiopian Airlines, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Hiện chưa rõ vấn đề có thể giải quyết bằng cách nâng cấp phần mềm hay phải sửa chữa phần cứng, được cho là phức tạp hơn. FAA cũng không giải thích chi tiết về lỗi mới phát hiện.
Boeing cuối ngày hôm qua xác nhận FAA đang yêu cầu họ giải quyết một lỗi phần mềm không có trong danh sách mà "ông lớn" này dự định cập nhật trước đó. "Chúng tôi sẽ không đề nghị FAA cấp giấy chứng nhận bay cho 737 cho đến khi chúng tôi đáp ứng hết các yêu cầu, nhằm trả lại sự an toàn cho dòng máy bay này", Boeing cho biết.
Việc bị FAA phát hiện lỗi mới đồng nghĩa với việc Boeing sẽ không thể xin chứng nhận an toàn bay cho Boeing 737 MAX vào ngày 8/7 như mục tiêu đặt ra trước đó. Thời gian dòng máy bay này bị cấm hoạt động dự kiến kéo dài lâu hơn nữa bởi FAA sẽ phải dành ra ít nhất hai đến ba tuần để xem xét vấn đề trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tháng trước, đại diện FAA khẳng định với các hãng hàng không rằng việc cấp chứng nhận an toàn cho 737 MAX có thể diễn ra sớm nhất vào cuối tháng 6.
Việc cập nhật phần mềm đã được các kỹ sư của Boeing tiến hành ngay sau vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX của hãng Lion Air hồi tháng 10 năm ngoái. Boeing hôm 16/5 cho biết đã hoàn tất cập nhật phần mềm điều khiển bay cho dòng 737 MAX.
Boeing hiện đã giao khoảng 370 máy bay dòng MAX trên khắp thế giới, nhưng toàn bộ phi đội này đã bị cấm bay từ giữa tháng ba. Hãng này tiết lộ đã đầu tư một tỷ USD để sửa chữa các máy bay thuộc dòng MAX sau các vụ tai nạn, bao gồm cả các máy bay sản xuất mới tại nhà máy ở Seattle, Mỹ.
Boeing phát triển dòng máy bay MAX hồi đầu thập kỷ này để cạnh tranh với đối thủ Airbus đến từ châu Âu, hãng hàng không chiếm ưu thế vì hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao. Giới phê bình cho rằng Boeing đã quá vội vã trong việc thiết kế dòng MAX để cạnh tranh với đối thủ, nhưng Boeing phủ nhận.
Mai Lâm (Theo Reuters)